Theo đó, Google đang thuê địa điểm thử nghiệm tại sân bay vũ trụ tư nhân Spaceport America, thuộc bang New Mexico và thiết lập một trung tâm điều khiển máy bay ở gần đó. Dự án máy bay không người lái giả lập mục tiêu bằng cách sử dụng tín hiệu vô tuyến truyền sóng milimet - một trong những nền tảng của mạng di động 5G và là tương lai của công nghệ truyền tải dữ liệu tốc độ cao.
Google phủ sóng 5G bằng UAV. Ảnh: Titan Aerospace
Cụ thể, công nghệ sóng có thể truyền dữ liệu với nhiều gigabit mỗi giây, nhanh hơn 40 lần 4G LTE hiện tay. Tuy nhiên, sóng milimet có bước sóng ngắn hơn tín hiệu điện thoại và hiện nay Google mới thử nghiệm công nghệ sóng ở băng tần 28GHZ, ngắn hơn tín hiệu 4G đến 10 lần. Điều này thách thức các nhà nghiên cứu phải tập trung thử nghiệm nhiều hơn về công nghệ sóng tiên phong này.
Dự án SkyBender được hoạt động trên máy bay không người lái có cánh cố định đầu tiên Centaur, của tập đoàn Aurora Flight Sciences và UAV sử dụng năng lượng mặt trời của Google Titan - một bộ phận của Google. Cơ quan Quản lý viễn thông Mỹ cũng cho phép Google thực hiện các thí nghiệm cho đến tháng 7.
Năm 2013, Google đã khởi động dự án Project Loon được xem là nền tảng để tập đoàn này tiến tới thực hiện tham vọng kết nối mạng Internet toàn cầu. Project Loon sử dụng các khinh khí cầu để phát Internet miễn phí vươn đến những vùng hẻo lánh nhất.
Tuy nhiên, Google không phải là nơi đầu tiên tiến hành công nghệ sóng milimet với máy bay không người lái. Vào năm 2014, DARPA, Cơ quan Nghiên cứu dự án quốc phòng cấp cao Mỹ, đã giới thiệu dự án chế tạo ra một loạt UAV có thể truyền tải một gigabit mỗi giây để liên lạc với binh sĩ ở những vùng hẻo lánh.
Hiện nay, Facebook và Microsoft cũng đang tham gia cuộc đua phủ sóng Internet không dây toàn cầu. Facebook vừa công bố đã hoàn thành máy bay Aquila dùng năng lượng mặt trời và tia laser để truyền dữ liệu xuống mặt đất hồi tháng 8/2015. Bên cạnh đó là dự án của hãng phần mềm lớn nhất thế giới, Microsoft Wifi - dịch vụ cung cấp wifi hoạt động thông qua một ứng dụng trên iOS, Android, OS X và Windows.
An Mai