Đây là cây cầu thứ bảy và thứ tám thuộc dự án “Xây cầu đến lớp” do Quỹ BTTEVN và Grab Việt Nam phối hợp triển khai với mục tiêu tạo điều kiện cho trẻ em vùng khó khăn có cơ hội đến lớp thuận tiện, an toàn hơn, cũng như cải thiện môi trường sống, phát triển xã hội và kinh tế của địa phương, đồng thời góp phần thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Dự án là một trong những hoạt động thiết thực nhằm thực hiện sứ mệnh Grab Vì Cộng Đồng của Grab tại Việt Nam.
Nậm Ban và Nậm Hàng là hai xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Dân cư thưa thớt, thành phần dân tộc thiểu số chiếm đến 95%. Địa hình bị chia cắt mạnh bởi các hệ thống khe suối, giao thông đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa lũ. Hơn 1.200 học sinh, trẻ em và thầy cô giáo tại các điểm trường hàng ngày phải đi qua khu vực nguy hiểm không đảm bảo khả năng thoát nước, thường xảy ra hiện tượng sạt lở, đứt gãy vào mùa mưa lũ. Không chỉ ảnh hưởng đến quá trình học tập và giảng dạy của thầy cô giáo và các em học sinh, những con đường này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho cho người dân địa phương và các phương tiện qua lại.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Huyện Nậm Nhùn, cho biết: "Hai công trình có ý nghĩa đặc biệt với nhân dân và các cháu học sinh ở hai điểm bản, đảm bảo sự đi lại an toàn cho các cháu, nhất là vào mùa mưa lũ. Bên cạnh đó cũng tạo động lực cho các cháu đến lớp chuyên cần, từ đó nâng cao chất lượng học tập, có cơ hội lĩnh hội kiến thức để làm chủ cho tương lai. Cây cầu cũng góp phần tạo điều kiện để nhân dân giao thương đi lại, buôn bán các sản phẩm của mình, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của người dân.”
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, cho biết: “Hai cây cầu này không chỉ giúp cho trẻ em đi học được an toàn hơn, tránh được các nguy cơ đuối nước, mà còn đặc biệt hỗ trợ cho bà con nơi đây giao thương được tốt hơn, và chắc chắn điều kiện lao động, sản xuất hiệu quả hơn. Hy vọng cây cầu sau khi được đưa vào sử dụng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đảm bảo việc sử dụng cây cầu đúng mục đích, đúng tải trọng, và đặc biệt là kéo dài được tuổi thọ cây cầu để thêm nhiều người được hưởng lợi.”
Hai công trình cầu liên hợp đập tràn đã được khánh thành, với tổng kinh phí thực hiện là 2,1 tỷ đồng, trong đó 1,7 tỷ đồng do Grab Việt Nam và người dùng Grab ủng hộ, cùng với 400 triệu đồng đối ứng từ địa phương. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ giúp hơn 7.000 em học sinh, giáo viên và người dân của hai xã Nậm Ban và Nậm Hàng đi lại an toàn, thuận lợi, tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa đưa kinh tế địa phương phát triển tích cực hơn.
Chị Ngô Thị Thanh Tuyền, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Nậm Hàng, chia sẻ: “Vào ngày mưa lũ, học sinh ở các bản phải đi qua suối này gần như là nghỉ hết. Hôm nay tôi rất vui vì cây cầu mới này sẽ giúp các em đến trường đầy đủ kể cả những ngày mưa gió. Nhà trường cũng duy trì được sỉ số học sinh đến lớp, đảm bảo công tác chuyên cần.”
Ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, chia sẻ: "Chúng tôi rất vui mừng khi hai cây cầu thứ 7 và thứ 8 được đưa vào hoạt động, đồng thời đánh dấu sự thành công của dự án “Xây cầu đến lớp” mà Grab Việt Nam và Quỹ BTTEVN phối hợp triển khai trong những năm qua. Hai cây cầu còn mang ý nghĩa đặc biệt hơn khi được khánh thành vào dịp năm mới 2024, giúp các em học sinh, thầy cô giáo đến trường an toàn hơn, đặc biệt vào mùa mưa lũ. Với sứ mệnh Grab Vì Cộng Đồng mà chúng tôi cam kết thực hiện tại Việt Nam, Grab sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành để triển khai thêm nhiều dự án cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người dân, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.”
Trong khuôn khổ dự án “Xây cầu đến lớp”, tính đến nay Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Grab Việt Nam đã xây dựng và được đưa vào sử dụng 8 công trình cầu dân sinh, trong đó gồm hai cây cầu ở Vĩnh Long, hai cây cầu ở Hà Giang, một cây cầu ở Tiền Giang, một cây cầu ở Quảng Trị và hai cây cầu ở Lai Châu.