Chống dịch từ điều nhỏ nhất
Trên những chiếc xe buýt chạy khắp 36 phố phường, dễ nhận thấy, bất cứ ai bước lên xe buýt cũng chủ động chuẩn bị cho mình một chiếc khẩu trang vừa vặn khuôn mặt.
Từ ngày xuất hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên, Nguyễn Quốc Long (sinh viên năm ba Khoa Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội) đã luôn làm bạn với những chiếc khẩu trang vải. Vốn là người không có thói quen dùng khẩu trang, thậm chí ác cảm vì cảm giác bức bí của nó, nhưng Long đã dần thay đổi suy nghĩ, khi nhìn đâu cũng thấy mọi người đeo khẩu trang. “Quy định chung trên xe buýt suốt mùa dịch là đeo khẩu trang. Nhưng chẳng cần phụ xe nhắc nhở, ai cũng biết tự bảo vệ bản thân mình trước dịch bệnh. Cảnh chen chúc xô lấn giờ đã bớt căng thẳng, người ta điềm tĩnh bước lên xe, ai cũng khẩu trang kín như bưng. Nó khiến ai cũng cảm thấy một chút yên tâm khi tham gia phương tiện công cộng” – Long nói.
Cũng vì dịch COVID-19 mà ông Phạm Tài (số 11, ngõ 165 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội) không còn rủ rê mấy ông bạn qua công viên Nghĩa Đô tập thể dục. Bạn bè ông trong khu phố, ai cũng tự giác dậy sớm, tự đi vài vòng quanh con ngõ nhỏ, rồi về nhà uống trà, xem tivi. Thành phố xóa bỏ giãn cách từ mấy tháng trước, nhưng COVID-19 vẫn còn đó, thói quen của ông Tài cũng vẫn còn đó. Ông bảo, cả nước đang gồng mình chống dịch, Thủ đô cũng bao nguy cơ rình rập, mình không thể vì thói quen cá nhân mà ảnh hưởng đến nỗ lực chung đó.
Thói quen đưa vợ đi siêu thị một tuần 2-3 lần cũng được ông Tài chấn chỉnh lại. Một tuần ông bà chỉ đi siêu thị 1 lần, mua đủ đồ cần thiết, hạn chế ra đám đông, đi đến đâu ông bà cũng đeo khẩu trang đầy đủ. Ông kể, hôm nào đến cửa siêu thị chưa thấy người ta xịt sát khuẩn cho là ông thấy thiêu thiếu. Người dân Thủ đô vào siêu thị cũng không còn chen lấn mua hàng nữa, lúc tính tiền xếp hàng rất nghiêm chỉnh, cách nhau chừng 2m. Chính ông cũng ngạc nhiên trước sự thay đổi của người Tràng An mùa dịch bệnh, “ai cũng hiểu, giữ sức khỏe cho mình là giữ sức khỏe cho cả cộng đồng” – ông Tài khẳng định.
Thành phố Hà Nội và cả nước đang trải qua những ngày đặc biệt khi toàn dân thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, người dân trên địa bàn Thủ đô đã ý thức sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng; rửa tay diệt khuẩn mọi lúc, mọi nơi; giữ khoảng cách khi tiếp xúc cộng đồng, xếp hàng khi mua hàng tại siêu thị... Đi đến đâu cũng thấy sự thay đổi khác lạ của người dân trong hoàn cảnh chung sống với COVID-19.
Những thay đổi nhỏ bé nhưng ý nghĩa trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của người dân không chỉ diễn ra ở các quận nội thành, mà còn lan tỏa tới nhiều làng quê ngoại thành của Hà Nội. Khu chợ ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng mấy ngày qua đã khôn còn cạnh lộn xộn mua bán nữa. Những cái biển “Lối vào”, “Lối ra” đặt ở khu vực dễ nhìn nhất để người dân biết mà rẽ vào đúng cửa, lối vào có chiếc ghế đặt ngay ngắn xà phòng sát khuẩn cho người dân sử dụng miễn phí. Người dân Tân Hội ra vào chợ cũng đồng loạt đeo khẩu trang. Mọi người thích nghi rất nhanh với hoàn cảnh.
Nếp sống văn minh nơi công cộng
Việc hầu hết người dân khi ra đường đều đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp xã hội đã thể hiện ý thức, nhận thức của mỗi người dân trước nguy cơ về dịch bệnh, từ đó có cách ứng xử phù hợp nơi công cộng.
Ngay khi có ca mắc COVID-19 trên địa bàn, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã liên tục có những hướng dẫn về đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, gắn với phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, nhấn mạnh vào việc vận động người dân hạn chế ra đường, không xả rác bừa bãi, chủ động dọn vệ sinh trước cửa nhà cũng như tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, như: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay sau khi tham gia các hoạt động ở nơi công cộng...
Thành phố đã tổ chức 30 cụm pa nô nằm trải dài trên các dải phân cách, treo hàng nghìn băng rôn dọc các tuyến phố chính thuộc khu vực trung tâm thành phố. Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô cũng được yêu cầu trang trí tuyên truyền cổ động trực quan, bằng nhiều hình thức, như: Cụm pa nô, băng rôn, biểu ngữ..., góp phần củng cố, lan tỏa tinh thần chung tay chống dịch từ những việc nhỏ bé.
Tất nhiên, ở nhiều địa bàn xã, phường, vẫn còn những cá nhân, đơn vị vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Những hình ảnh xấu xí vẫn diễn ra đâu đó như người dân ra hồ Gươm quên đeo khẩu trang bị xử phạt, nhiều bà hàng nước bất chấp quy định cấm tụ tập đông người vẫn mở hàng đều đặn để mưu sinh… Đó thực sự là những hình ảnh xấu xí, những nốt trầm giữa bản hòa ca sục sôi quyết tâm chống dịch của toàn xã hội, nhưng rõ ràng, phần lớn người dân Hà Nội đã và đang thực sự nghiêm túc thay đổi mình, thay đổi vì cộng đồng.