Công viên văn hóa du lịch được xây dựng chủ yếu dựa trên địa hình tự nhiên vốn có; tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, kết hợp với xây dựng không gian du lịch văn hóa gắn kết lịch sử, các phong tục tập quán truyền thống, văn hóa gắn liền với sông nước…
Với khu vực bãi giữa, quận Hoàn Kiếm dự tính tổ chức khu chức năng không gian cảnh quan nông nghiệp du lịch, có thể vẫn cho các hộ dân trồng cây ngắn ngày song quy hoạch chuyển đổi cây ngắn ngày phù hợp. Du khách có thể tham quan, chụp ảnh, hưởng thụ các giá trị cây nông nghiệp đặc sắc theo hướng nông nghiệp hiện đại.
Bãi giữa sông Hồng là điểm vui chơi quen thuộc của nhiều người Hà Nội - Ảnh: C.K. |
Quận Hoàn Kiếm quy hoạch mạng lưới các đường giao thông nội bộ, đường dạo của khu vực bãi giữa, bãi ven sông Hồng theo hướng thiết kế thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu truyền thống, tổ chức lại bãi tắm sông hiện có cho văn minh sạch đẹp, hấp dẫn du khách. Cảnh quan theo các hướng tiếp cận từ trên cao (hướng nhìn từ cầu Long Biên, cầu Chương Dương), hướng tiếp cận đường sông, đường bộ sẽ được nghiên cứu tổ chức, đảm bảo yếu tố về: tạo dựng khung cảnh thiên nhiên, vẻ đẹp văn hóa, lịch sử, sinh thái; thiết kế cảnh quan bố trí mảng không gian cây xanh; thiết kế kiến trúc nhỏ hài hòa với cảnh quan thiên nhiên...
Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thuộc hai phường Chương Dương và Phúc Tân. Trong đó, khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23 ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, một phần khoảng 1ha thuộc địa phận quận Long Biên, được các hộ dân trồng cây lương thực, cây lâu năm. Khu vực bãi bồi ven sông thuộc địa bàn phường Phúc Tân rộng 11,2 ha do các hộ dân canh tác trồng rau, hoa màu, chăn nuôi; khu vực thuộc địa bàn phường Chương Dương diện tích 4,12 ha do tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng...