Hà Nội: Sẽ thanh tra, kiểm tra hàng năm các cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm - Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện quản lý, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc này nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố đặc biệt gây ô nhiễm môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động sản xuất, đời sống và sức khỏe của nhân dân.

Lực lượng chức năng tăng cường giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố Hà Nội. Qua đó, thành phố đặt mục tiêu chủ động kiểm soát được các vấn đề môi trường, dự báo, kịp thời ngăn ngừa xảy ra sự cố môi trường; giải quyết các điểm nóng gây ô nhiễm, góp phần minh bạch hóa các hoạt động bảo vệ, cải thiện môi trường thu hút đầu tư…

Theo kế hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các đơn vị liên quan tập trung giám sát đối với các cơ sở công suất lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; cơ sở hoạt động gây ô nhiễm kéo dài, đảm bảo các cơ sở hoạt động an toàn về môi trường; khảo sát hoặc kiểm tra thực tế tại các khu, cụm công nghiệp đã hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, làng nghề thuộc danh mục làng nghề ô nhiễm môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị có liên quan cử cán bộ tham gia Tổ giám sát do Cục Kiểm soát ô nhiễm thành lập (khi có yêu cầu); tổ chức giám sát đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, xảy ra các sự cố môi trường, cơ sở bị người dân và báo chí phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, Sở rà soát, đưa vào chương trình, kế hoạch thanh, kiểm tra hàng năm các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; cơ sở đã nhiều lần bị phản ánh về gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được giải quyết triệt để; cơ sở có nguồn thải lớn, thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, liên tục hoặc chưa đầu tư đúng, đầy đủ công trình xử lý chất thải theo quy định; cơ sở có lưu lượng xả nước thải từ 200m3/ngày trở lên; cơ sở xử lý rác thải, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường; các khu, cụm công nghiệp, làng nghề…

Đối với cơ sở đã nhiều lần bị phản ánh về gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được giải quyết triệt để, căn cứ vào quy mô, loại hình hoạt động của cơ sở, Sở đưa vào kế hoạch thanh tra thường xuyên (3 năm liên tiếp) theo quy định tại khoản 2, Điều 162 Nghị định 08/2022/NĐ-CP…

Cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng thành phố, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. Thành phố đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Trong khi đó, việc quy hoạch phát triển thành phố còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp môi trường và hạn chế trong hiểu biết của các cộng đồng dân cư đang là những thách thức không nhỏ đối với Hà Nội. Mặt khác, việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế cũng như khó khăn, vướng mắc.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác bảo vệ môi trường, Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Song, thành phố rất cần sự chung tay của các tổ chức xã hội và đối tác phát triển để thúc đẩy các hành động chung về nâng cao chất lượng không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội triển khai việc thanh, kiểm tra đối với 392 đơn vị, tổ chức nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về bảo vệ môi trường; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, hậu kiểm việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau kiểm tra, thanh tra.

Đáng chú ý, theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, trong quá trình thanh, kiểm tra, các đơn vị chức năng có trách nhiệm chuyển hồ sơ trường hợp có dấu hiệu tội phạm về môi trường cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý; phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.