Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 5-2018, toàn Hà Nội đã có 6.367.422 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân là 84,4%. Số cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tiếp tục được mở rộng với 160 cơ sở công lập, 37 cơ sở tư nhân, 476/584 trạm y tế xã phường.
Số lượt khám chữa bệnh bằng BHYT cũng tăng lên, đạt trên 4,34 triệu lượt, tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT mà quỹ BHYT chi trả lên tới 7.869 tỷ đồng. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2017, tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT của Hà Nội đã tăng vọt tới 10,1%.
Ông Nguyễn Đức Hòa chia sẻ, nguyên nhân của việc gia tăng này một mặt do số người tham gia BHYT tăng, số lượt khám chữa bệnh bằng BHYT tăng, song cũng có nguyên nhân chủ quan do tình trạng trục lợi quỹ BHYT còn phổ biến.
Cụ thể, qua kiểm tra và thẩm định chi phí khám chữa bệnh BHYT của các bệnh viện, cơ sở y tế từ đầu năm đến nay, BHXH TP Hà Nội dự kiến từ chối thẩm định chi phí khám chữa bệnh BHYT lên tới 304 tỷ đồng.
Theo BHXH TP Hà Nội, bên cạnh việc một số người bệnh lạm dụng, trục lợi quỹ như cố tình đi khám ở nhiều bệnh viện khác nhau trong 1 tháng, thậm chí trong 1 ngày nhằm hưởng thuốc BHYT, thì nghiêm trọng hơn vẫn là tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ xảy ra ở các cơ sở y tế.
Ông Nguyễn Đức Hòa dẫn chứng, qua kiểm tra, một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT chỉ định bệnh nhân vào nội trú rất rộng rãi và kéo dài ngày nằm viện, thậm chí có những bệnh nhân chỉ mắc các bệnh cúm thông thường, viêm họng… cũng cho vào nằm nội trú.
“Cùng đó, nhiều bệnh viện cố tình kéo dài ngày điều trị của bệnh nhân, cho bệnh nhân nằm hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu dù tình trạng bệnh chưa đến mức phải nằm hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu. Đặc biệt, không ít bệnh viện chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng không đúng quy trình chuyên môn, quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế nhằm trục lợi quỹ” – Giám đốc BHXH TP Hà Nội chỉ ra.
Một thực trạng khá phổ biến nữa là có không ít bệnh nhân nội trú lẽ ra có thể xuất viện ngay vào ngày thứ 6 mỗi tuần, thế nhưng các bệnh viện vẫn để đến thứ 2 tuần sau mới cho làm thủ tục xuất viện.
“Tới đây chúng tôi sẽ nghiên cứu việc kiểm tra các hồ sơ bệnh án xuất viện vào ngày thứ 2 hàng tuần để xem có sự trục lợi hay không, vì rõ ràng 2 ngày cuối tuần (thứ 7, Chủ nhật) bệnh nhân có khi không nằm viện nữa nhưng bệnh viện vẫn được hưởng tiền ngày giường do BHYT chi trả” – ông Hòa nêu rõ.
Ngoài ra, BHXH TP Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện việc liên thông dữ liệu khám chữa bệnh ngay trong ngày với hệ thống thông tin giám định BHYT chưa nghiêm túc. Một số giám định viên BHYT trách nhiệm chưa cao trong việc thực hiện công tác thẩm định chi phí khám chữa bệnh BHYT.