Chủ tịch HĐND, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thời gian qua, thành phố rất quan tâm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thủ đô đã ban hành các chương trình công tác, kế hoạch; HĐND thành phố cũng ban hành các cơ chế, chính sách, tổ chức chất vấn, giám sát, tái giám sát. Qua đó, các cấp, ngành của Hà Nội đã thực hiện triệt để, cố gắng triển khai tốt từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, quán triệt việc tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, nhiệm kỳ này, Quốc hội đã đổi mới hoạt động giám sát, giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở địa phương, sau đó tổng hợp báo cáo Quốc hội. Do đó, đợt giám sát này là nội dung giám sát đúng, trúng và là cơ hội để UBND thành phố Hà Nội và các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá lại được những việc làm tốt để nhân rộng, việc chưa tốt để rút kinh nghiệm.
Báo cáo với Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Nguyễn Xuân Lưu cho biết, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu các đơn vị và ý thức tự giác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.
Kết quả, giai đoạn 2016-2021, toàn thành phố Hà Nội đã tiết kiệm trong sử dụng và thanh quyết toán ngân sách nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm chi quản lý hành chính hơn 3.000 tỷ đồng; tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ cho các cơ quan, tổ chức gần 4.000 tỷ đồng… Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Cụ thể, chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hằng năm tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí cụ thể. Công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nơi, có lúc còn chưa được đề cao. Công tác lập báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong một số lĩnh vực còn sơ sài về nội dung, số liệu chưa đầy đủ và chưa thống nhất về các tiêu chí đánh giá trong báo cáo.
Trước những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ tịch HĐND, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND thành phố cần có giải pháp khắc phục kịp thời, phân tích rõ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp, thiết thực. Trong đó, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật để nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết quả phải thực chất, hiệu quả, không hình thức.
Trước mắt, UBND thành phố Hà Nội cần xây dựng kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải cụ thể từng mục tiêu, chỉ tiêu, gắn với đặc thù của từng ngành, từng cấp; đồng thời nhận diện rõ những thất thoát, lãng phí ở từng lĩnh vực, cả ở khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, từ đó xác định trọng điểm cần phải tiết kiệm, tránh thất thoát, nhất là trong đầu tư công, sử dụng tài sản công.
Các thành viên Đoàn giám sát lưu ý, thành phố Hà Nội cần bổ sung thêm các số liệu đầy đủ, nhất là việc thực hiện công tác đầu tư công, quản lý sử dụng tài nguyên, đất đai, thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Một số thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị thành phố Hà Nội bổ sung số liệu cần có địa chỉ, không chỉ nêu mặt trái trong lãng phí, mà bao gồm cả những mô hình tốt, điểm sáng, để nhân rộng, qua đó nâng cao công tác thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn thành phố.
Cũng tại buổi giám sát, liên quan đến các dự án chậm triển khai, Chủ tịch HĐND, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thêm, vừa qua Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xem xét, thảo luận nội dung này và HĐND thành phố đã quyết nghị các giải pháp thúc đẩy triển khai, xử lý những vi phạm. Đây chính là thể hiện quyết tâm chính trị cao của thành phố, tăng cường kỷ cương, kiên quyết thu hồi đối với các dự án chủ đầu tư cố tình chây ỳ không triển khai, gây lãng phí tài nguyên.