Về hiện trạng, Bộ GTVT cho biết, mạng lưới đường sắt quốc gia Việt Nam được xây dựng và khai thác đã hơn 1 thế kỷ. Toàn mạng lưới đường sắt quốc gia bao gồm 7 tuyến chính và 12 tuyến nhánh với tổng chiều dài đường chính tuyến 2.703 km và 612 km đường ga và đường nhánh, trải dài trên địa bàn của 34 tỉnh, thành phố.
Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư bao gồm cả đất gắn với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được chia thành 2 loại: Tài sản KCHTĐS quốc gia trực tiếp liên quan đến chạy tàu và tài sản KCHTĐS quốc gia không trực tiếp liên quan đến chạy tàu.
Hiện nay, tài sản KCHTĐS quốc gia đang giao cho doanh nghiệp kinh doanh KCHTĐS là Tổng Công ty đường sắt Việt Nam trực tiếp quản lý sử dụng, khai thác. Việc bảo trì, đầu tư phát triển khối tài sản này đều do ngân sách Nhà nước chi trả.
Về cơ chế thực hiện quản lý, bảo trì tài sản KCHTĐS quốc gia, Bộ GTVT trình 2 phương án.
Phương án 1, Bộ GTVT sẽ giao dự toán ngân sách cho Tổng Công ty ĐSVN thực hiện công tác bảo trì.
Theo đó, căn cứ vào tình trạng kỹ thuật của công trình đường sắt, nhu cầu vận tải trên từng tuyến đường sắt đang khai thác, quy trình bảo trì, định mức kinh tế-kỹ thuật, các quy định hiện hành, Tổng Công ty ĐSVN sẽ lập kế hoạch bảo trì theo phương án tính đủ, trình Cục Đường sắt Việt Nam thẩm tra. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT rà soát, tổng hợp kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì và dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước hàng năm, gửi Bộ Tài chính xem xét, bố trí vốn.
Tuy nhiên, hạn chế của phương án này khi Bộ GTVT giao dự toán cho Tổng Công ty ĐSVN quản lý, bảo trì tài sản KCHTĐS thì chưa phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước quy định “Bộ GTVT chỉ được giao dự toán cho đơn vị trực thuộc” còn Tổng Công ty ĐSVN hiện nay là đơn vị trực thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Mặt khác, Uỷ ban Quản lý vốn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng không thể giao dự toán này cho Tổng Công ty ĐSVN được vì trái quy định của Luật Đường sắt 2017 và Nghị định 46/2018 quy định “Bộ GTVT giao dự toán ngân sách cho đơn vị được giao quản lý tài sản”. Uỷ ban Quản lý vốn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng chỉ quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp.
Ở phương án 1 này, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các Bộ, ngành liên quan làm thủ tục sử đổi Nghị định 131/2018/NĐ-CP theo hướng chuyển Tổng Công ty ĐSVN về Bộ GTVT. Khi đó, Bộ GTVT sẽ là đơn vị dự toán cấp I của Tổng Công ty ĐSVN, tránh phải sửa Luật, Nghị định liên quan đã có hiệu lực.
Phương án 2, Bộ GTVT sẽ giao dự toán ngân sách cho Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện bảo trì tài sản KCHTĐS theo hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu.
Tương tự như phương án 1, phương án này cũng gặp phải tồn tại chưa phù hợp với Nghị định 46/2018 (quy định Bộ GTVT giao dự toán ngân sách Nhà nước cho cơ quan được giao quản lý tài sản). Đồng thời, phương án 2 làm phát sinh thêm khâu trung gian thực hiện hợp đồng giữa Cục Đường sắt Việt nam và Tổng Công ty ĐSVN để thực hiện công tác quản lý, giám sát, nghiệm thu bảo trì KCHTĐS, không phù hợp với thực tiễn quản lý, bảo trì hiện nay, gây khó khăn trong công tác điều hành vận tải và đảm bảo an toàn chạy tàu.
Thêm vào đó, Tổng Công ty ĐSVN sẽ dư thừa cơ sở vật chất rất lớn, dư thừa lực lượng cán bộ quản lý, cán bộ có trình độ chuyên môn cao và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, dẫn tới nguy cơ phân tán sự chỉ đạo, điều hành trong hoạt động giao thông vận tải đường sắt.
Đặc biệt, phương án này cũng làm thay đổi hệ thống quản lý tài sản và bảo trì KCHTĐS lâu nay đã được thiết lập, việc thay đổi này sẽ làm mất an toàn hệ thống, nếu xảy ra tai nạn, sự cố thiên tai phải chờ giải quyết (đấu thầu) sẽ làm đình trệ toàn hệ thống vận tải đường sắt, phá vỡ công tác điều hành tập trung, thống nhất theo Luật Đường sắt đã quy định.
Phương hướng khắc phục những tồn tại ở phương án 2, Bộ GTVT cho rằng cần phải sửa khoản 1 Điều 10 Nghị định 46/2018. Đồng thời, bổ sung biên chế, nâng cao năng lực đội ngũ công chức của Cục Đường sắt để thực hiện thêm nhiệm vụ mới. Trong đó, cần có lộ trình triển khai thực hiện để sắp xếp lại cơ sở vật chất, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn của Tổng Công ty ĐSVN và không làm thay đổi đột ngột công tác quản lý tài sản KCHTĐS quốc gia hiện nay.
Qua so sánh, Bộ GTVT cho biết, cả 2 phương án nêu trêu đều phải sửa 1 Nghị định để đảm bảo quy định của pháp luật (phương án 1 cần sửa Nghị định 131/2018, phương án 2 sửa Nghị định 46/2018). Tuy nhiên, phương án 1 sẽ không gây biến động lớn về hệ thống quản ký KCHTĐS quốc gia, tạo điều kiện đảm bảo an toàn chạy tàu, đảm bảo sự điều hành tập trung, thống nhất.
“Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị thực hiện theo phương án 1. Giao dự toán ngân sách cho Tổng Công ty ĐSVN để thực hiện công tác bảo trì tài sản KCHTĐS quốc gia. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho phép các Bộ, ngành liên quan làm thủ tục sửa đổi Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 theo hướng chuyển Tổng Công ty ĐSVN về Bộ GTVT quản lý”, Bộ GTVT nêu rõ.