Ca mổ được bắt đầu từ 7h30 và kết thúc lúc 23h30, cùng lúc lấy đa tạng để ghép cho 5 bệnh nhân: 1 bệnh nhân ghép tim, 2 bệnh nhân ghép gan và 2 bệnh nhân ghép thận, ngoài ra còn lấy các đoạn mạch máu để gửi vào Ngân hàng mô bảo quản để ghép cho các bệnh nhân khác. Ca mổ có sự kết hợp của các chuyên gia đầu ngành tại bệnh viện từ nhiều chuyên khoa: phẫu thuật ghép tạng; phẫu thuật tim mạch; phẫu thuật vi phẫu; gây mê hồi sức; chẩn đoán hình ảnh; các labo xét nghiệm...
Nam bệnh nhân sau khi phẫu thuật đã có diễn biến tốt. Ảnh: Thanh Niên |
Hiện tại hậu phẫu ngày 6 sau ghép, tất cả các bệnh nhân đều hồi phục, 2 bệnh nhân ghép gan đã tự thở, tỉnh táo, các chức năng của gan mới đã hoạt động tốt và hoà hợp với người nhận.
Trao đổi thêm với báo Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa Giám đốc Trung tâm ghép tạng (Bệnh viện Việt Đức) cho hay, khó khăn trong ca chia gan để ghép chính là người hiến bị nặng chấn thương sọ não, gan bị phù nề khó tìm mạch máu. Các bác sĩ mất 3 tiếng mới chia xong được 2 phần gan đều có đủ động mạch, tĩnh mạch. Thêm nữa, bệnh nhi nhận gan bị rối loạn đông máu, khi ghép có sự bất tương xứng mạch máu do cháu bé còn nhỏ còn mạch máu người lớn lại to. Ca ghép gan cho trẻ kéo dài đến 23 giờ đêm vì mạch máu của trẻ quá nhỏ, phải sử dụng kỹ thuật vi phẫu để nối, mất khá nhiều thời gian.
Cháu bé được nhận 250gram và bệnh nhân người lớn nhận 900gram gan từ người cho chết não. Sau ghép, gan của 2 bệnh nhân nhận đã hồng hào sau khi được tưới máu. Dự kiến hôm nay bệnh nhân người lớn sẽ được chuyển khỏi phòng ghép để theo dõi tiếp. Bệnh nhi nhận gan sẽ được chuyển ra sau vì trước mổ đã hôn mê gan hiện đang thở máy. Ngoài ra bệnh nhân này còn bị tổn thương phổi do trước khi ghép bị bệnh nặng nên tiếp tục được theo dõi đường hô hấp.
Đại diện Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, với kỹ thuật mới này sẽ mở ra cơ hội cho nhiều trẻ được ghép gan. Được biết, tại Bệnh viện Bệnh viện Nhi T.Ư mỗi năm mổ 70-80 ca teo mật bẩm sinh phần lớn sau này phải ghép gan. Trước đây hoàn toàn sử dụng gan từ người sống.
Tổng hợp