Những mẫu vi sợi nhựa trong phân hải cẩu không thể nhìn bằng mắt thường. Tiến sĩ Mauricio Seguel - một nghiên cứu viên tại Đại học Georgia cho biết: “Không có gì nghi ngờ khi nói rằng chất thải nhựa là một trong những mối đe dọa nguy hiểm đến hệ sinh thái biển, nhưng hiện tại chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu ô nhiễm nhựa trong đại dương đang ở mức độ nào, vì sao lại tập trung về Nam Mỹ?”.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra 51 con hải cẩu Nam Mỹ trên đảo Guafo từ xa, ở Tây Nam Chile trong suốt khoảng thời gian từ tháng 12/2015 đến tháng 3/2016. Mỗi vật liệu vô cơ của mẫu được hòa tan trong dung dịch đặc biệt trong phòng thí nghiệm và được đem ra phân tích. Các nhà nghiên cứu sau đó tìm thấy 67% các mẫu phân hải cẩu có chứa vi sợi nhựa - điều mà cho đến nay chỉ được báo cáo ở động vật nuôi nhốt.
Microplastics là những mảnh nhựa nhỏ hơn 5mm. Vi sợi nhựa là dạng nhỏ nhất của microplastic. Chúng là những sợi lông nhỏ bằng nhựa, có kích thước nhỏ hơn 1 mm, kết từ các vật liệu như polyester hoặc nylon, chúng có thể bị thải trong đại dương qua nước thải sau khi làm sạch, bất kể việc xử lý triệt để như thế nào.
Các nhà nghiên cứu tin rằng các vi sợi đã trôi đến đảo Guafo bởi việc thay đổi dòng hải lưu trước khi được tiêu thụ bởi sinh vật phù du, trong chuỗi thức ăn của cá và cuối cùng là đến bữa ăn của hải cẩu. Hiện tại chưa có đủ cơ sở để xác định vi sợi nhựa có bất kỳ tác dụng phụ nào đối với động vật có vú trên biển, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra cá có nhiều thay đổi hình thái.
“Không bao giờ là quá muộn để chúng ta hành động nhằm ‘chữa lành’ đại dương, một trong những bước đầu tiên là xác định xem chúng ta đã phá hủy hệ sinh thái như thế nào thông qua hoạt động sản xuất và xử lý nhựa của con người” - Tiến sĩ Kelly Diehl, Phó chủ tịch tạm thời Morris Animal Foundation cho biết. “Các nghiên cứu như thế này sẽ giúp chúng tôi tìm ra đáp án cho những câu hỏi đang bỏ ngỏ để bắt đầu đưa ra những phương án tốt hơn nhằm cứu vãn tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như bảo vệ sức khỏe sinh vật biển”.
Morris Animal Foundation đã tài trợ cho các nghiên cứu về hải cẩu khác tại đảo Guafo với nhóm của Tiến sĩ Seguel. Người ta phát hiện ra rằng các yếu tố góp phần làm cho hải cẩu ở Nam Mỹ bị chết bao gồm ve, bệnh viêm phổi và thay đổi nhiệt độ bề mặt biển, một phần trong số đó là chất thải nhựa.
Tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York đã tổ chức một buổi hội thảo của Liên minh quốc hội thế giới (IPU) về vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển. Chủ đề chính của cuộc thảo luận là sự cần thiết phải có các biện pháp chung nhằm ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái, đặc biệt là ô nhiễm đại dương toàn cầu bởi chất thải nhựa.
Theo Ủy ban Duma Quốc gia Nga về Sinh thái và bảo vệ môi trường biển, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề ô nhiễm của các đại dương trên thế giới được xem xét trên cấp độ quốc tế, nhưng lần này, vấn đề này được chú ý đặc biệt, bởi vì sự ô nhiễm của nước biển đã trở nên quá nặng nề.
“Rác thải và nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý được xả xuống sông ngòi, cuối cùng đọng lại trong nước biển và đầu độc các sinh vật sống trong môi trường biển. Ngay cả không khí bị ô nhiễm bởi các loại khí nhà kính cũng gây hại cho nước biển bởi hiện tượng mưa axít khiến nước biển bị thay đổi thành phần hóa học, ảnh hưởng đến hệ thực vật và động vật biển” - báo cáo của Ủy ban Duma Quốc gia về Sinh thái và bảo vệ môi trường biển nhấn mạnh.