Hồ Muối Lớn là hồ nước mặn lớn nhất ở Tây bán cầu. Độ sâu trung bình của hồ biến động tự nhiên theo mùa và phụ thuộc vào lượng mưa. Tuy nhiên, khu vực có vai trò kinh tế và môi trường quan trọng này chưa bao giờ ghi nhận mực nước thấp như vậy kể từ khi các số liệu được thu thập vào năm 1847.
Theo thông báo ngày 5/7 của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), hồ này từng ghi nhận mực nước thấp kỷ lục vào tháng 10/2021. Dựa trên xu hướng của những năm trước, USGS cho rằng mực nước tại Hồ Muối Lớn sẽ tiếp tục xuống thấp cho tới mùa Thu và mùa Đông – thời điểm lượng nước bổ sung vào hồ vượt lượng nước bốc hơi trên bề mặt.
Trước tình hình trên, Giám đốc điều hành Sở Tài nguyên thiên nhiên bang Utah, Joel Ferry cho rằng cần hành động khẩn cấp để bảo vệ và duy trì nguồn tài nguyên quan trọng này.
Theo số liệu của chính quyền bang Utah, Hồ Muối Lớn mỗi năm đóng góp khoảng 1,3 tỷ USD cho kinh tế bang, thông qua các ngành như khai thác mỏ, nuôi trồng thủy sản và du lịch. Mực nước hồ suy giảm cũng có thể đe dọa đến số lượng lớn chim di cư đổ về đây hằng năm và tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân địa phương. Các nhà khoa học gần đây cảnh báo lớp trầm tích chứa nhiều thạch tín nằm dọc theo đáy hồ có thể sẽ phát tán theo gió nếu lộ ra trên bề mặt.
Gần như toàn bộ khu vực phía Tây nước Mỹ đang phải hứng chịu một đợt hạn nặng, kéo theo việc giảm lượng nước đổ về các sông và mực nước tại một số hồ chứa quan trọng như Hồ Mead hay Hồ Powell xuống thấp nghiêm trọng.
Các nhà khí hậu học lưu ý rằng trong lịch sử đã từng có những đợt hạn hán kéo dài hơn 20 năm ở khu vực này. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng đang ngày một tăng do hoạt động của con người khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên.