Ngậm ngùi Sơn Đoòng, Krông Nô
Tháng 12/2014, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Hiệp hội Hang động Nhật Bản tổ chức họp báo công bố kết quả khảo sát hang động núi lửa tại khu vực Krông Nô (tỉnh Đác Nông). Theo các nhà khoa học, đây là hang động núi lửa dài nhất Đông-Nam Á, là quần thể di sản địa chất độc đáo và có giá trị lớn. Hiện nay, khu vực Krông Nô đang trong quá trình xúc tiến hoàn thành hồ sơ, dự tính đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu, tiếp bước Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).
Hang động Krông Nô |
Cần phải nói rằng khu vực này đã được các nhà khoa học của Bảo tàng Địa chất Việt Nam phát hiện từ những năm 2007-2008. Tuy nhiên, TS Lương Thị Tuất, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản cho hay: “Bảo tàng địa chất khi đó đã làm tuyên truyền, in tờ rơi và báo cáo các nơi nhưng không ai quan tâm”. Cuối cùng, tờ rơi này vô tình lọt vào tay một thành viên của Hiệp hội hang động Nhật Bản. Các nhà khoa học Nhật Bản đã ngay lập tức cử người sang Việt Nam phối hợp với Tổng cục Địa chất khảo sát, nghiên cứu và cho ra đời phát hiện xôn xao dư luận cuối năm ngoái. TS Tuất cho hay: “Khó khăn lẫn lý do thì vô vàn. Có thể do không có kinh phí chẳng hạn”.
Ngay cả Sơn Đoòng, vốn được một người Việt Nam, ông Hồ Khanh phát hiện ra, nhưng phải đến khi có Hiệp hội thám hiểm Hoàng gia Anh vào cuộc, Sơn Đoòng mới được biết đến trên bản đồ du lịch. Đến thời điểm hiện tại, dù có nhắc đến Sơn Đoòng như một tiềm năng lớn, nhưng chưa có một hành động hữu hiệu nào trong việc quảng bá từ phía trong nước, ngoại trừ việc tranh cãi nên hay không nên có cáp treo ở di sản này.
Quảng bá theo cách nào?
Không cần phải nói thêm về giá trị tuyên truyền quảng bá của gần 60 phút trực tiếp trên sóng ABC. Bốn năm trước, một đoạn phim tài liệu 45 phút của kênh National Geographic cũng đã khiến nhiều khán giả phương Tây kinh ngạc về mức độ kỳ vĩ của hang động lớn nhất thế giới này. Dịp này, ABC lần đầu tiên tiến hành truyền hình trực tiếp từ một hang động. Hiện nay, mức chi phí cho một tour Sơn Đoòng vào khoảng hơn 3.000 USD và có hạn chế số lượng du khách, phải đăng ký trước. Công ty hiện đang giữ độc quyền khai thác tour Sơn Đoòng thông báo đã kín khách đặt tour cho đến năm 2016.
Hang động Sơn Đoòng |
Trong khi ấy, ở trong nước, nhìn lại việc quảng bá cho các điểm đến du lịch mới thấy nghèo nàn cả về số lượng lẫn cách thể hiện. Lần gần đây nhất có thể thấy ngành du lịch chủ động là năm 2008 với clip 30 giây trên CNN. Clip đẹp và chỉ có thế. Tháng 12/2014, kênh hình ảnh du lịch Việt Nam, trang quảng bá được Tổng cục Du lịch lập ra trên Youtube. Những clip quảng bá ở đây số lượng xem rất ít. Clip Du lịch Hạ Long, đưa lên từ ba tháng trước có 200 lượt xem. Clip Du lịch Hòa Bình có 96 lượt xem, đưa lên từ sáu tháng trước. Clip nhiều lượt xem nhất là Vẻ đẹp Việt Nam với 425 lượt, cập nhật từ bốn tháng trước. Facebook chính thức của kênh này, có 17.000 lượt thích nhưng lần cập nhật gần đây nhất là 16/4 và lượt like (thích) chỉ vẻn vẹn bảy người. Mức độ sử dụng mạng xã hội, tốc độ chia sẻ (share) của người Việt Nam là rất lớn. Thế nhưng vì sao những gì Tổng cục Du lịch đưa lên quảng bá bị thờ ơ? Lý do muôn thuở được đưa ra từ nhiều năm nay là kinh phí vẫn chưa hề có hướng giải quyết. Nhưng vấn đề là sự chủ động chính từ trong nước thì dường như chưa mấy ai quan tâm.
Mỗi năm Việt Nam có rất nhiều hội nghị xúc tiến du lịch với hình thức na ná nhau. Mỗi cuối năm ngành du lịch đều tổng kết những chương trình xúc tiến ngoài nước. Nhưng chỉ cần nhìn vào một vài hình ảnh cụ thể sẽ thấy sự khập khiễng và câu hỏi về tính hiệu quả không thể không đặt ra.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Người Mỹ choáng ngợp bởi vẻ đẹp kì vĩ của hang Sơn Đoòng
- Cuộc phỏng vấn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từ hang Sơn Đoòng
- Chuyện chưa kể về người tìm ra hang Sơn Đoòng và cái bắt tay với Phó thủ tướng