Làm trái chủ trương của Thủ tướng
Khu công nghiệp Đức Hoà III – Hồng Đạt (tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hoà) do Công ty Hồng Đạt – Long An làm chủ đầu tư, có diện tích khoảng 100 ha. Vào tháng 10/2016, Khu công nghiệp này được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho giảm một phần diện tích để thực hiện dự án Khu dân cư, nhà ở công nhân và chuyên gia.
Trong kết luận thanh tra UBND tỉnh Long An xác định, Công ty Hồng Đạt – Long An không thực hiện đúng chủ trương của Thủ tướng chính phủ là cho phép giảm diện tích khu công nghiệp để “đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư, nhà ở công nhân và chuyên gia” mà chỉ thực hiện “đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư”; không thực hiện đúng việc lập và trình quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo mục tiêu, tính chất ban đầu.
Chủ đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai. Mặc dù chưa đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh nhưng tại thời điểm thanh tra, Công ty Hồng Đạt – Long An đã chuyển nhượng 2.500 trên tổng số 3.038 lô đất nền của dự án và có 85 căn nhà đã được khách hàng xây dựng, sử dụng…
Với nhiều sai phạm, vào tháng 7/2019, Công ty Hồng Đạt – Long An đã bị UBND tỉnh Long An xử phạt 330 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh trong vòng 12 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực. Ngoài ra, Công ty Hồng Đạt – Long An còn xây dựng không phép và đã bị Thanh tra Sở Xây dựng Long An xử phạt 40 triệu đồng.
Vai trò của Trần Anh Group như thế nào?
Năm 2018 – 2019 có thể coi là “cao điểm” về sai phạm của Trần Anh Group cùng các doanh nghiệp liên quan đã thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm tại nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Long An. Trong giai đoạn này, cơ quan chức năng tỉnh Long An đã tổ chức kiểm tra nhiều dự án của Trần Anh Group và xử phạt số tiền gần 1 tỷ đồng.
Từ tháng 5/2016, thời điểm trước khi được Thủ tướng phê duyệt chủ trương và các cơ quan chức năng phê duyệt dự án thì Công ty Hồng Đạt – Long An đã ủy quyền cho Trần Anh Group thực hiện chuyển nhượng hàng loạt lô đất nền tại dự án. Thông tin trên website được giới thiệu thuộc Trần Anh Group (diaoctrananh.com), Trần Anh tự nhận là chủ đầu tư và Công ty Hồng Đạt - Long An là đơn vị hợp tác phát triển dự án.
Theo hồ sơ mà phóng viên Ngày Nay nắm được, Công ty Cổ phần Bất động sản Trần Anh Long An, Công ty Cổ phần Trần Anh Sài Gòn dù không phải là chủ đầu tư và không phải chủ sở hữu bất động sản tại dự án Bella Vista nhưng vẫn đứng tên trên Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhiều hợp đồng trong số này do đích thân ông Trần Đức Vinh – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Bất động sản Trần Anh Long An đứng ra ký với khách hàng.
Dù không phải là chủ đầu tư, Công ty CP Bất động sản Trần Anh Long An vẫn đứng tên là bên chuyển nhượng trên hợp đồng. |
Sau này, khi Công ty Hồng Đạt – Long An bắt đầu đứng tên trên Hợp đồng nguyên tắc thì ông Trần Đức Vinh cũng tiếp tục ký nhiều Hợp đồng với vai trò Phó TGĐ Công ty Hồng Đạt – Long An. Ngoài ra, ông Hà Văn Thiện, Phó TGĐ Trần Anh Group đồng thời giữ chức Phó TGĐ, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Hồng Đạt – Long An cũng ký nhiều Hợp đồng với khách hàng.
Bên cạnh đó, hai doanh nghiệp này cùng có chung địa điểm đăng ký kinh doanh tại Ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, Long An. Trong thời gian xảy ra hàng loạt sai phạm tại dự án Bella Vista, bà Lê Thị Gấm (vợ ông Trần Đức Vinh) là TGĐ Công ty Cổ phần Hồng Đạt – Long An. Đến tháng 7/2019, thời điểm các sai phạm tại dự án Bella Vista bắt đầu bị phanh phui và UBND tỉnh Long An lên kế hoạch thanh tra, bà Gấm nhường lại vị trí cho người khác.
Vẫn bán đất trong thời gian bị đình chỉ kinh doanh
Sau khi bị xử phạt và đình chỉ hoạt động kinh doanh, Công ty Cổ phần Hồng Đạt – Long An đã cắm nhiều biển thông báo trong dự án Bella Vista với nội dung: “Hiện tại chủ đầu tư không có ủy quyền hay cho phép bất cứ một đơn vị, cá nhân nào được thay mặt chủ đầu tư giao dịch, xác nhận việc chuyển nhượng các lô đất nền tại dự án; Các hành vi xác nhận giao dịch, bàn giao đất không do chủ đầu tư thực hiện là có dấu hiệu của sự lừa dối khách hàng,...”
Bảng thông báo được Công ty Hồng Đạt – Long An cắm trong dự án Bella Vista. |
Tuy nhiên, trong thời gian này Công ty Hồng Đạt – Long An vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh tại dự án Bella Vista. Cụ thể, ngày 2/8/2019, chỉ một tuần sau khi bị đình chỉ kinh doanh, bà Trần Thị Hạnh – Phó TGĐ Công ty đã tiến hành ký Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với khách hàng.
Ông Trần Đức Vinh và ông Hà Văn Thiện với vai trò là các lãnh đạo tại Công ty Hồng Đạt – Long An cũng ký nhiều Hợp đồng cùng các văn bản liên quan đến việc giao dịch và đứng ra thu tiền. Theo một phiếu thu lập ngày 10/10/2019, ông Trần Đức Vinh đại diện cho Công ty Hồng Đạt – Long An đã nhận của một khách hàng gần 500 triệu đồng.
Ngoài ra, Công ty TNHH Bất động sản Trần Anh Tây Đô không phải chủ đầu tư cũng tham gia chuyển nhượng đất nền dự án Bella Vista vào tháng 11/2019. Người ký Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng là ông Nguyễn Văn Thìn, Giám đốc.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn tổ chức ký hợp đồng, thu tiền trong thời gian bị đình chỉ kinh doanh. |
Trao đổi với Ngày Nay về sự việc này, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, việc tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động là hành vi bị nghiêm cấm theo pháp luật doanh nghiệp hiện hành.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp đang bị tạm dừng hoạt động kinh doanh” là một trong các hành vi bị luật này nghiêm cấm thực hiện. Nếu vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và buộc phải “nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”.
Về việc Công ty Hồng Đạt – Long An ký kết với khách hàng trong thời gian bị đình chỉ hoạt động kinh doanh, luật sư Chánh cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 thì Giao dịch dân sự (trường hợp này là Hợp đồng Nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất) có hiệu lực khi chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập,...
Nếu có cơ sở để cho rằng việc ký kết Hợp đồng Nguyên tắc là hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh bất động sản trong thời gian đang bị đình chỉ thì những Hợp đồng này có thể bị vô hiệu. Bởi lẽ, Công ty Hồng Đạt – Long An bị đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản trong thời hạn 12 tháng, không có “năng lực pháp luật” phù hợp để ký kết các giao dịch về kinh doanh bất động sản.
“Đồng thời, như đã phân tích ở trên thì hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị đình chỉ là hành vi bị nghiêm cấm của Luật Doanh nghiệp 2020. Do đó, có cơ sở để xem xét Hợp đồng Nguyên tắc có nội dung vi phạm điều cấm của luật, không thỏa mãn điều kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự”, luật sư Chánh cho biết.