Bà Phạm Thu Xanh - Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng - xác nhận gần đây, nhiều trường hợp trẻ bị phản ứng sau khi tiêm vắc xin ComBe Five và phải tới các cơ sở y tế trên địa bàn để được theo dõi, chăm sóc theo phác đồ.
Đây không phải thành phố đầu tiên ghi nhận những ca gặp phản ứng khi tiêm loại vắc xin do Ấn Độ sản xuất, mới được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng thay thế vắc xin Quinvaxem nhằm phòng 5 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Thậm chí, ba trẻ đã tử vong sau khi tiêm vắc xin ComBe Five.
Theo bà Xanh, huyện Kiến Thụy là địa phương có 31 trường hợp phải nhập viện theo dõi trong 2 ngày 25-26/, nhiều hơn so với các quận, huyện khác.
Nhiều trẻ em ở hải phòng bị phản ứng sau khi tiêm vắc xin Combe Five. |
Trong đó, 6/31 ca đó phản ứng nặng như sốt sau tiêm vắc xin ComBe Five, một ca xuất hiện co giật, tím tái và đã được chuyển lên Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng điều trị và theo dõi.
Vị giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cũng cho biết thêm trong quá trình tiêm chủng các cán bộ y tế cung cấp số điện thoại đường dây nóng cho gia đình, nếu có phản ứng gia đình sẽ gọi trực tiếp để được tư vấn.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ người nhà của trẻ, cán bộ y tế sẽ phân loại những trường hợp nào cần nhập viện ngay để theo dõi.
Hiện tại, hầu hết trẻ đã xuất viện, chỉ còn một số ca đang được theo dõi ở Bệnh viện Trẻ em, nhưng tình trạng đã ổn định.
Về việc triển khai ComBe Five trên toàn quốc, theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), đến ngày 9/1, 131.171 trẻ được tiêm chủng vắc xin này.
Ngoài phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc... với tỷ lệ khoảng 2,5%. Đồng thời cũng đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật ở một số địa phương với tỷ lệ khoảng 0,05%, các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Bộ Y tế cũng yêu cầu tổ chức tập huấn ngay cho cán bộ y tế của các cơ sở tiêm chủng cũng như cán bộ y tế tuyến huyện chưa được tập huấn hoặc đã được tập huấn nhưng chưa thuần thục về khám sàng lọc, đặc biệt xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng. Bộ Y tế chỉ đạo chỉ những cơ sở tiêm chủng có cán bộ y tế đã được tập huấn và có kỹ năng về xử trí, cấp cứu sau tiêm chủng mới được tiến hành tiêm chủng, tất cả cơ sở phải có phác đồ xử trí phản vệ và được treo tại điểm tiêm chủng.
Ngoài ra, các địa phương cần cử cán bộ có trình độ chuyên môn hợp lý từ tuyến trên xuống tăng cường cho các Trạm Y tế xã, phường trong việc khám sàng lọc, cấp cứu và xử trí sau tiêm chủng, đặc biệt là những cơ sở không có bác sĩ hoặc xã, phường khó khăn.
Trước đó như thông tin đã đưa, bé gái hơn 2 tháng tuổi tại huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội đã tử vong sau khi tiêm vắc xin ComBe Five. Theo chia sẻ của gia đình, sau khi tiêm vắc xin về cháu có biểu hiện sốt, gia đình đã cho uống hạ sốt nhưng không hạ. Sau một đêm theo dõi tại nhà, đến sáng hôm sau cháu bé tím tái, mũi sùi bọt hồng. Khi đưa vào viện cháu bé đã tử vong.
Hiện chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân tử vong. Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, nguyên nhân ban đầu khiến bé gái 2 tháng tuổi ở Thạch Thất tử vong sau tiêm vắc xin ComBe Five có thể nghĩ tới là sốc phản vệ.