Ông Oğuz cho biết sự biến mất của các ngôn ngữ đã gia tăng đáng kể trong thập kỷ qua do thay đổi cảnh quan xã hội, chính trị và kinh tế.
“Gần 2.500 ngôn ngữ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì số lượng người nói chúng rất ít. Thật không may, theo thống kê và dữ liệu tổng hợp, cứ mỗi 15 ngày, một một ngôn ngữ lại biến mất.”
Các ngôn ngữ được sử dụng bởi dưới 10.000 người chiếm phần lớn trong số những ngôn ngữ có nguy cơ biến mất. Ngôn ngữ của nhiều cộng đồng thuộc hệ ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ được ghi nhận nằm trong số những ngôn ngữ có nguy cơ và cần được chú ý đặc biệt. Ông Oğuz cũng nhận định có khoảng 200 ngôn ngữ cho đến giờ khó lòng tìm ra người còn sử dụng, hơn 250 ngôn ngữ đã biến mất kể từ năm 1950.
Theo UNESCO, một ngôn ngữ nên được sử dụng bởi tối thiểu 10.000 người để đảm bảo sự di truyền giữa các thế hệ. Nhưng trên thực tế, cũng không có gì đảm bảo cho việc chuyển giao ngôn ngữ cho thế hệ tiếp theo nếu ngôn ngữ đó được sử dụng bởi ít hơn 100.000 người. “Bản đồ của UNESCO về các ngôn ngữ trên thế giới đang bị đe dọa” cho thấy phần lớn các ngôn ngữ nằm trong diện bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm trọng được sử dụng bởi nhóm dưới 100.000 người.
Ngôn ngữ có tầm quan trọng chiến lược đối với con người và thế giới, giữ vai trò thiết yếu trong việc duy trì bản sắc, giao tiếp, xã hội, giáo dục và phát triển bền vững. Khi một ngôn ngữ mất đi, nền văn hóa, văn học và những kiến thức được mã hóa bằng thứ ngôn ngữ đó cũng mất đi theo.
Ông Oğuz chỉ ra rằng văn hóa có tầm quan trọng đáng kể đối với nhân loại và nhắc lại một trích dẫn từ Tuyên ngôn Thế giới về Đa dạng Văn hóa của UNESCO. “Đa dạng văn hóa là một phần của sự trao đổi, đổi mới và sáng tạo. Sự đa dạng văn hóa cần thiết cho loài người cũng như sự đa dạng sinh học đối với tự nhiên. Theo khái niệm này, đa dạng văn hóa chính là di sản chung của nhân loại, cần được công nhận và khẳng định vì lợi ích của thế hệ hiện tại và tương lai.”