Ngày 12/10, hơn 100 người dân thôn Vân Dương 1 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã kéo đến kín cửa nhà máy thép Dana - Italy để phản ứng vì lo ngại nhà máy hoạt động trở lại sẽ tiếp tục gây ô nhiễm.
Hàng chục chiếc ghế nhựa được dân dùng để ngồi chặn ngay lối ra vào nhà máy. Nhiều người khác tập trung trong lán đã kê sẵn bàn ghế, giường chiếu, phía trên phủ bạt che mưa nắng. Đến buổi trưa, nhiều người không chịu dời đi mà mua thức ăn, mì tôm về nấu tại chỗ. Dân còn mang theo chăn màn, máy phát điện, loa đài để nghe nhạc khi quyết ở lại nhiều ngày.
Anh Lê Văn Dũng (35 tuổi) cho biết, từ tháng 3 chính quyền thành phố đã có văn bản ngừng hoạt động hai nhà máy thép Dana - Italy và Dana Australia, nhưng hết thời hạn sáu tháng vẫn không rõ việc di dời dân hay nhà máy.
"Ô nhiễm do nhà máy thép gây ra đã ảnh hưởng đến nguồn nước giếng sinh hoạt, màu nước vàng khè, không ai dám sử dụng", anh Dũng nói và cho biết do người dân bao vây nên nhà máy không hoạt động, không còn bụi bặm như trước.
Hàng tấn phế liệu chưa sản xuất bên trong khu vực của nhà máy thép |
Ông Lê Văn Thung (62 tuổi) nói việc người dân tụ tập trước cổng nhà máy đã kéo dài khoảng hai tuần nay. Sáng nay là đông nhất khi có thêm lực lượng công nhân đang làm việc ở nhà máy. Doanh nghiệp có khoảng 1.000 công nhân.
"Công nhân cũng muốn thành phố trả lời dứt điểm việc có di dời nhà máy đi hay không. Nếu tiếp tục hoạt động thì di dời dân và công nhân vẫn có việc làm. Bằng không thì phải giải quyết quyền lợi cho họ", ông Thung nói.
Phía doanh nghiệp nói việc người dân tập trung đông khiến họ không thể hoạt động sản xuất. Chính quyền địa phương đang vận động người dân trở về nhà. Theo ông Trương Tấn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, cho biết thành phố chưa có kế hoạch đối thoại với người dân thôn Vân Dương 1.
Trước đó ngày 7/10, Thanh tra thành phố kết luận hai nhà máy thép có nhiều sai phạm, như sản xuất vượt công suất cho phép, thay đổi một số lò luyện không đúng như đăng ký, không lập đánh giá tác động môi trường bổ sung, kết quả quan trắc thông số bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 0,6 đến 1,55 lần từ năm 2009 đến 2011...
Khoảng cách giữa hai nhà máy thép chỉ từ 27 đến 80 m, chưa đảm bảo cách ly tối thiểu là 500 m với nhà máy độc hại cấp hai (công suất dưới một triệu tấn/năm đối với nhà máy luyện thép), gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng đến khu dân cư. Việc trồng cây xanh không đảm bảo theo đánh giá tác động môi trường.
Chính quyền thành phố giai đoạn 10 năm trước đã phá vỡ quy hoạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt đánh giá tác động môi trường và cho hai nhà máy thép Dana Italy và Dana Australia hoạt động, dù theo quyết định mở rộng Cụm công nghiệp này năm 2004 không có loại hình sản xuất thép.
"Đưa hai nhà máy thép về đây là không phù hợp với chủ trương của UBND thành phố, cũng như ý kiến của người dân địa phương. Chúng tôi không hiểu hết mọi ý trong kết luận dài 26 trang giấy, nhưng mấu chốt là đã có kết luận nhưng không rõ chính quyền di dời dân hay nhà máy", ông Thung nói thêm.
Hai nhà máy thép Dana Italy và Dana Australia xây dựng tại huyện Hòa Vang hơn 10 năm nay. Khoảng 6 năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân xã Hòa Liên sống gần nhà máy bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn đã nhiều lần dựng lán trại bao vây trước cổng hai nhà máy để phản đối, buộc chính quyền nhiều lần tổ chức đối thoại và đưa ra chủ trương di dời người dân, sau đó sẽ di dời nhà máy thép. Tuy nhiên, sau hàng loạt quyết định, chính quyền vẫn lúng túng việc di dời nhà máy thép hay di dời dân.