Theo các hộ dân nuôi cá bè trên sông La Ngà (xã La Ngà và Phú Ngọc, huyện Định Quán, Đồng Nai), sau nhiều trận mưa, khoảng 21h ngày 20/5, cá có biểu hiện ngộp, lờ đờ, trồi lên mặt nước. Chỉ sau 2 tiếng, đồng loạt cá trong bè chết, nổi lềnh bềnh.
"Tôi thấy cá ngoi lên là nghi ngờ rồi, không ngờ nó chết nhanh vậy. Tưởng chỉ có bè nhà mình bị, ai ngờ cá trong những bè hàng xóm cũng chết", ông Nguyễn Ngọc Vân (ngụ xã La Ngà) chua xót kể và cho biết thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.
|
Cá diêu hồng chết trắng bè. Ảnh: Phước Tuấn. |
Hàng chục tấn cá trong bè của ông Nguyễn Cao Cường cũng rơi vào tình trạng tương tự. "Nhà tôi có 40 tấn cá lăng và diêu hồng, chỉ còn mấy ngày nữa là xuất bán nhưng nay đã chết sạch, thiệt hại hàng tỷ đồng. Gia đình đã cầm sổ đỏ vay vốn, giờ không biết làm sao đây", ông Cường mếu máo.
|
Cá lăng sắp xuất bán cũng chết trắng trong đêm. Ảnh: Phước Tuấn. |
Đến trưa 21/5, hàng trăm tấn cá chết được các hộ dân gom vào bao bán giá rẻ cho thương lái làm phân bón, một số vứt đi. Theo người dân, đây không phải lần đầu xảy ra cá chết trên sông La Ngà, tuy nhiên lần này được xem là nặng nề nhất.
Người dân nghi ngờ nguyên nhân cá chết do việc các công ty ven sông La Ngà xả thải. "Không có chuyện mà một đêm cả trăm tấn cá chết như vậy được, không chỉ cá bên trong bè mà cá bên ngoài cũng chết", một người dân nói.
Cùng ngày, UBND huyện Định Quán đã cử cán bộ xuống làng bè để thống kê thiệt hại, điều tra nguyên nhân khiến cá chết.
|
Người dân thu gom cá chết chở vào bờ bán rẻ cho thương lái làm phân bón. Ảnh: Phước Tuấn. |
Sông La Ngà dài trên 272 km, bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh ven khu vực thành phố Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng, rồi chảy qua tỉnh Bình Thuận trước khi đổ vào hồ Trị An (huyện Định Quán, Đồng Nai).
Làng bè sông La Ngà kéo dài khoảng một km ở vùng hạ lưu sông, được hình thành cách đây khoảng 20 năm. Trên sông có khoảng 150 hộ với hơn 500 lồng nuôi cá lăng, diêu hồng, chép... thuộc sự quản lý của hai xã La Ngà và Phú Ngọc.