Cụ thể, khoảng 58% số người được hỏi đồng ý với tuyên bố rằng chính phủ Trung Quốc sử dụng TikTok để “gây ảnh hưởng đến dư luận Mỹ”.
TikTok cho biết họ đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho các nỗ lực bảo mật dữ liệu và sẽ không chia sẻ dữ liệu của 170 triệu người dùng Mỹ với chính phủ Trung Quốc. Đại diện công ty này đã cam kết với quốc hội Mỹ vào năm ngoái rằng họ “không quảng bá hoặc xóa nội dung theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc”.
Tổng thống Joe Biden vào tuần trước đã ký dự luật cho phép ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, tổng cộng 270 ngày để thoái vốn khỏi công ty TikTok tại Mỹ nếu không sẽ phải đối mặt với viễn cảnh bị loại khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google tại Mỹ.
Đáp trả lại, ByteDance cho biết không có ý định bán lại ứng dụng TikTok.
TikTok đã tuyên bố sẽ thách thức lệnh cấm vì vi phạm các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận được quy định trong Bản sửa đổi đầu tiên của Hiến pháp Mỹ.
Một thẩm phán ở bang Montana vào tháng 11 năm ngoái đã chặn lệnh cấm của chính quyền tiểu bang này đối với TikTok, với lý do lo ngại về quyền tự do ngôn luận.
Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy 50% người Mỹ ủng hộ việc cấm TikTok, trong khi 32% phản đối lệnh cấm và số còn lại không chắc chắn.
Cuộc thăm dò chỉ khảo sát người lớn ở Mỹ và không phản ánh quan điểm của những người dưới 18 tuổi, vốn chiếm phần lớn số lượng người dùng TikTok. Khoảng 6 trong 10 người tham gia cuộc thăm dò ở độ tuổi 40 trở lên ủng hộ lệnh cấm, so với khoảng 4 trên 10 người ở độ tuổi 18-39.
Cuộc thăm dò cho thấy 46% người Mỹ đồng ý với tuyên bố rằng Trung Quốc đang sử dụng ứng dụng này để làm công cụ "gián điệp hàng ngày của người Mỹ".
Ứng dụng chia sẻ video này hiện đang trở nên phổ biến tại Mỹ. Ngay cả chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden cũng đang sử dụng TikTok như một công cụ để lấy lòng cử tri trẻ tuổi trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 5/11.