Bỏ học để khởi nghiệp đã trở thành một “hội chứng” khi tấm gương bỏ học vẫn thành công xuất hiện liên tiếp trên nhiều mặt báo. “Hội chứng” này đã khiến nhiều sinh viên đang ngồi trên giảng đường băn khoăn: Có nên tiếp tục hoàn thành việc học để theo đuổi bằng cấp hay ra khởi nghiệp để học từ trường đời rồi tiếp tục học sau?
Trả lời thắc mắc trên, ông Chu Đức Lượng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ CTCP Tập đoàn Phú Mỹ cho rằng, bằng đại học hay không bằng đại học thì quan trọng nhất là bạn học được cái gì trong đầu.
“Bill Gates đã bỏ học giữa chừng nhưng ông vẫn thành công bởi vì ông ấy là người quá giỏi. Cái quan trọng nhất vẫn là chính bạn, bạn sẽ làm gì cho tương lai của mình”, ông Lượng nói.
"Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết trong nghèo khó, thì đó là lỗi của bạn" - một trong nhiều câu nói nổi tiếng của Bill Gates mà các bạn sinh viên nằm lòng. Tuy nhiên, câu trên không được các bạn dẫn lại nhiều bằng một câu khác cũng của Bill Gates: “Tôi đã thi trượt một số môn, nhưng bạn tôi thì đã qua tất cả. Bây giờ anh ta là một kỹ sư trong Microsoft còn tôi là chủ sở hữu của Microsoft". |
Bà Đoàn Thu Nga - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lawpro cũng bày tỏ quan điểm: “Các bạn thường lấy dẫn chứng Bill Gates không học đại học mà vẫn thành công, vẫn trở thành "gã khổng lồ" trong lĩnh vực công nghệ để giải thích cho hành động muốn bỏ học của mình. Tôi cho rằng, việc chúng ta tự đánh giá được năng lực bản thân, sức khỏe và đam mê là vô cùng quan trọng. Đôi khi, chúng ta đặt tiêu chí phải thành công, phải trở thành một gã khổng lồ mà quên mất mình là ai, có đủ năng lực, sức khỏe, có thể làm được không”.
Bà Nga cũng cho rằng, bất kể thời điểm nào các bạn sinh viên cảm thấy đủ tự tin, đủ năng lực để có thể triển khai ý tưởng thành công thì hãy làm ngay, chứ đừng chờ đợi lúc ra trường, đủ bằng cấp mới làm, sẽ tuột đi mất cơ hội. Tuy nhiên, giữa kiến thức và tri thức, chúng ta phải tự đặt câu hỏi với năng lực cá nhân, nếu chưa đủ điều kiện chín muồi để làm được điều đó, các bạn nên thận trọng. Các bạn phải biết trang bị cho mình những gì cần thiết và cần theo đuổi mục tiêu lớn. Nếu đã đủ, có thể làm.
“Cuộc đời có thể có 2 cách để nhận bài học: Có những người luôn lắng nghe, hiểu và thay đổi; nhưng cũng có những người thích trải nghiệm, cứ lao đầu vào, vấp ngã, sau đó sửa đổi. Tôi cho rằng, cách nào cũng được, miễn là các bạn cảm nhận được đâu là con đường thành công để các bạn đi”, bà Nga phân tích.
Là người bỏ Đại học từ năm thứ 3, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - ông Bùi Văn Quân cho rằng Nhà nước đã sinh ra các trường để đào tạo không phải là thừa. “Các bạn lúc trẻ cần phải học, lúc nhiều tuổi học sẽ khó vào. Khi có cơ hội các bạn hãy bứt phá”, ông Quân bày tỏ.
Tuy nhiên, vấn đề thất nghiệp sau khi tốt nghiệp vẫn luôn là nỗi lo của các bạn sinh viên trên ghế nhà trường. Mới đây, phát biểu trước báo giới, lãnh đạo Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học luôn luôn cao hơn so với các thành phần khác cho thấy sự vô lý về cung - cầu trên thị trường lao động Việt Nam.
Theo số liệu công bố từ Bản tin Cập nhật thị trường lao động - Số 3 năm 2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện mức cân bằng cung-cầu lao động kỹ thuật chưa cân đối: Có 22 triệu người không có chứng chỉ bằng cấp đang làm những nghề đòi hỏi có chuyên môn kỹ thuật, phản ánh cung lao động không đáp ứng cầu chuyên môn kỹ thuật và 0,75 triệu người trình độ đại học trở lên đang làm các nghề yêu cầu chuyên môn kỹ thuật thấp hơn, phản ánh cung lao động đã vượt cầu.
Theo Seatimes