Gần 2 tuần qua, tại huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) xảy ra hiện tượng lạ khiến nhiều người lo lắng. Các đồ dùng trong nhà của một gia đình tại ấp Rạch Đào, thị trấn Thủ Thừa bỗng liên tục bốc cháy mà không rõ nguyên nhân.
Theo đó, các vật phát hỏa không phải là đồ từ chất liệu giấy, gỗ mà tập trung vào các đồ nhựa, vải như: quần áo, quạt điện, ghế nhựa, giày dép, mũ bảo hiểm…
Những đồ vật này cứ nối nhau bốc cháy mà không có ai đốt hay từ một nguồn lửa nào. Thậm chí, một vật không dễ cháy như chiếc ghế bằng vật liệu nhựa cũng tự nhiên phát hỏa.
Đáng chú ý, tại đây không có bất kỳ sự cố về nguồn điện hay lửa, thậm chí, chủ nhà còn cắt hết nguồn điện, bếp gas và tối đến chỉ sử dụng đèn dầu nhưng sự cháy vẫn xảy ra. Họ cho biết, từ trước đến nay chưa từng thấy hiện tượng này.
Sau khi nắm được tình hình, các cơ quan chức năng huyện Thủ Thừa và tỉnh Long An đã vào cuộc nhưng chưa có kết luận. Theo đó, hiện trường được xác định toàn bộ nguồn điện, thiết bị điện đều đã ngắt, không còn sử dụng. Gia đình hoàn toàn không có chứa hóa chất gây cháy và từ trước đến nay không có buôn bán hóa chất.
Từ những kết quả trên, cơ quan chuyên môn nhận định, bước đầu nguyên nhân không do sự cố khí gas hay chập điện và cũng loại trừ các yếu tố như khí tự nhiên, phóng xạ, quang năng. Nhiều khả năng gây cháy các vật dụng là do việc cố ý sử dụng các hóa chất có tính oxy hóa mạnh, dễ gây cháy khi tiếp xúc với oxy trong không khí.
Trao đổi với Báo Gia đình & Xã hội về hiện tượng này, PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa học, ĐHKHTN – ĐHQGHN) thông tin: Hiện tượng như vậy đã xảy ra nhiều tại Việt Nam và trên thế giới nhưng chưa có ai xác định được nguyên nhân là gì. Tuy cũng có nhiều ý kiến nêu nhiều nguyên nhân khác nhau như do từ trường của Trái Đất, do sự tập trung của tia của vũ trụ hoặc lý giải có phần ma quái như vì... thần đèn, nhưng tất cả đều không rõ ràng. Điều quan trọng là xác định tính xác thực của tin báo về những hiện tượng này.
“Đây là điều chưa lý giải được và không có một nhà khoa học nào trực tiếp được quan sát hiện tượng mà chỉ qua nghe kể, xem ảnh chụp lại nên rất khó xác minh về độ trung thực.
Phải trực tiếp chứng kiến thì mới biết được là như thế nào, còn qua những hình ảnh chụp lại, vật dụng bị cháy được đưa lại thì cho thấy đó đều là sự cháy nhưng nguyên nhân gây cháy thì lại không giống nhau.
Có người nói rằng cháy ban đêm, người khác lại nói cháy ban ngày hoặc khi cháy rồi thì mới phát hiện… Cũng đã có những nhà khoa học mất công đến để “mai phục” xem có quan sát được hiện tượng đó không nhưng rồi lại không thấy. Do vậy, cũng cần phải xem xét tính trung thực của những thông tin báo cáo về hiện tượng này.
Hiện tượng cháy là quá trình oxy hóa thì họ nói rằng chất oxy hóa mạnh nhưng căn bản là điều này có đúng hay không. Không rõ ràng về nguyên nhân và cho đến giờ thì các nhà khoa học cũng chưa ai có phát biểu gì về những hiện tượng như vậy”, chuyên gia Trần Hồng Côn phân tích.
Theo GĐ&XH