Cụ thể, tại Điều 54 Luật này quy định, nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế; Điều 55 quy định trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải. Theo quy định, nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức là tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện để sớm ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ được dùng để hỗ trợ chi phí tái chế cho các nhà tái chế đáp ứng các quy định của pháp luật (không hỗ trợ cho các mục đích khác). Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp tái chế bao bì giấy, bao bì nhựa, bao bì kim loại, ắc-quy, pin sạc nhiều lần, dầu nhớt, săm, lốp các loại, thiết bị điện, điện tử, phương tiện giao thông.
Để được nhận hỗ trợ tái chế, doanh nghiệp phải được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp tái chế phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường và chưa bị xử phạt vi phạm về lĩnh vực môi trường; có hệ thống cân tại vị trí đưa sản phẩm, bao bì vào khu vực tái chế; lắp đặt camera giám sát tại các vị trí theo dõi được quá trình tái chế để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan quá trình tái chế theo hợp đồng hỗ trợ tái chế; thông tin, số liệu phải được kết nối trực tuyến với Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia và lưu trữ tại đơn vị tái chế tối thiểu 24 tháng; hồ sơ đề nghị tái chế phù hợp với các tiêu chí, ưu tiên do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
Trước ngày 30/9 hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố công khai tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì của năm tiếp theo. Doanh nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ tài chính lập hồ sơ đề nghị gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/10 hằng năm để được xét duyệt.
Việc hỗ trợ xử lý chất thải cũng chỉ dành cho một số đối tượng nhất định và kèm theo các điều kiện bắt buộc. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ xử lý chất thải là các chủ đầu tư thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.
Như vậy, dự kiến có 2 đối tượng được nhận hỗ trợ kinh phí để xử lý chất thải rắn sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thực vật là chính quyền địa phương có các dự án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Với các dự án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật phải phục vụ lợi ích cộng đồng, không vì mục tiêu lợi nhuận. Cơ quan, tổ chức phải được Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi thực hiện dự án đối với dự án phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc UBND huyện nơi thực hiện dự án ủy quyền hoặc phân công đối với dự án thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Với các nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chủ đầu tư có nguồn lực đảm bảo thực hiện dự án; dự án đề nghị hỗ trợ phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Trước ngày 30/9 hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố công khai tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động xử lý chất thải của năm tiếp theo. Cơ quan, tổ chức có nhu cầu được hỗ trợ tài chính cho hoạt động xử lý chất thải lập hồ sơ đề nghị gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/10 hằng năm để được xét duyệt.
Tổ chức được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thực hiện thông báo và ký kết hợp đồng hỗ trợ với các cơ quan, tổ chức được nhận hỗ trợ tài chính; Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thực hiện thanh toán số tiền hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức theo hợp đồng ký kết.
Ông Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh, Quy chế được xây dựng nhằm quản lý, sử dụng nguồn tài chính đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu một cách minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích. Đây là nguồn tài chính bổ sung quan trọng bên cạnh ngân sách địa phương để góp phần giải quyết vấn đề chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Nguồn tài chính này không chỉ tạo ra cơ hội, động lực cho các doanh nghiệp tái chế mà còn giúp giải quyết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt là các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.