Theo thông tin đăng tải trên báo Lao Động, ngày 9/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, cách đây khoảng 3 tháng, trong một lần ăn cá ông Bùi Công T. (56 tuổi, ở TP Hạ Long, Quảng Ninh) bị xương hóc vướng cổ họng. Sau nhiều lần ho khạc không ra ông T đã đi khám và thực hiện nội soi tai mũi họng nhưng không thấy nên nghĩ mảnh xương đã tự trôi xuống dạ dày.
Thời gian sau đó, bệnh nhân xuất hiện cơn ho dữ dội kéo dài, tức ngực, khó thở, đi khám tại bệnh viện tuyến trung ương được chụp phim lồng ngực không phát hiện dị vật.
Sau đó, bệnh nhân được nội soi dạ dày tại bệnh viện trung ương với chẩn đoán viêm dạ dày trào ngược, kê đơn thuốc uống tại nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm. Bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để tiếp tục điều trị.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, sau khi khai thác bệnh sử, ghi nhận các triệu chứng của bệnh nhân kèm hình ảnh chụp cắt lớp vi tính nghi ngờ có dị vật đường thở, các bác sĩ đã quyết định thực hiện nội soi phế quản ống mềm gây mê.
Tiến hành nội soi phế quản kiểm tra, các bác sĩ phát hiện dị vật là một mảnh xương cá cứng, kích thước khá lớn nằm sâu dưới phế quản gốc phải đã bị viêm mủ, sưng tấy xung quanh, gây bít tắc gần hoàn toàn phế quản gốc phải. Kíp nội soi đã dùng kẹp gắp thành công dị vật ra ngoài.
Hiện tại, tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục kết hợp sử dụng thuốc điều trị, báo điện tử VTV đưa tin.
Mảnh xương cá sắc nhọn được lấy ra từ phế quản. |
Trao đổi với Zing.vn, ThS.BS Nguyễn Thành Định, Trưởng khoa Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp cho biết, trường hợp ông T. không được phát hiện kịp thời nên mảnh xương gây ra nhiều biến chứng phức tạp, khiến việc tìm nguyên nhân và chẩn đoán khó khăn. Nhờ quá trình khai thác bệnh sử và khám lâm sàng kỹ lưỡng, các bác sĩ phát hiện dị vật trong phế quản và gắp ra nhanh chóng.
Theo BS Định, dị vật tiếp tục ở đó sẽ làm tình trạng sức khoẻ người bệnh ngày càng xấu đi, gây nhiễm trùng đường hô hấp, cản trở sự thông khí, nặng hơn xuất hiện áp xe phổi, tràn mủ, giãn phế quản. Việc gắp bỏ dị vật giúp điều trị nhiễm trùng đường hô hấp triệt để và ngăn ngừa tái phát.
Khi bị hóc dị vật, mọi người thường cố gắng khạc, dùng tay móc, nuốt miếng thức ăn to hoặc chữa mẹo dân gian để lấy ra. Tuy nhiên, những cách này sẽ làm tình trạng xấu đi, dị vật có thể bị mắc sâu hơn và rơi vào vị trí nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh cần chú ý, cung cấp đầy đủ thông tin để bác sĩ nắm bắt các khả năng có thể xảy ra và đưa hướng chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa hóc dị vật, BS Định khuyến cáo khi ăn uống, mọi người không nên vội vàng, nói hay cười đùa, đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ. Bạn cần tập trung ăn, nhai kỹ để hạn chế tình trạng dị vật lọt vào đường thở.
Khi không may hóc, kèm những biểu hiện bất thường như khó thở, ho nhiều, tức ngực, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời. Đặc biệt, bệnh nhân có hội chứng xâm nhập, ho nhiều, viêm đường hô hấp tái phát không đỡ, phải đến cơ sở chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân chính xác, điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm về sau.