Hội nghị Toàn cầu sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ 29/4 đến 3/5 tại Windhoek, Namibia. “Information as a Public Good” hứa hẹn sẽ đem tới một trải nghiệm kỹ thuật số kết hợp giữa họp trực tiếp và họp trực tuyến. Các phiên họp trực tiếp tại Windhoek sẽ đảm bảo tôn trọng các biện pháp giãn cách và phòng ngừa khác theo quy định.
Người tham gia có thể lựa chọn một trong hai hình thức để đăng ký. (Link đăng ký )
Với nhận định coi thông tin như một loại hàng hóa công cộng, Hội nghị sẽ kêu gọi các biện pháp giải quyết mối đe dọa tuyệt chủng mà một số phương tiện truyền thông địa phương trên toàn thế giới phải đối mặt, thúc đẩy tính minh bạch, tăng cường sự an toàn và cải thiện điều kiện làm việc của đội ngũ nhà báo, đồng thời hỗ trợ các phương tiện truyền thông độc lập xây dựng trở lại tốt hơn vượt qua đại dịch.
Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Windhoek
Sự kiện này cũng đánh dấu kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Windhoek, được đưa ra tại một cuộc hội thảo của Liên hợp quốc và UNESCO tổ chức ở Windhoek năm 1991, trong bối cảnh các nhà báo châu Phi kêu gọi thúc đẩy một nền báo chí Châu Phi tự do, độc lập và đa nguyên.
Tuyên bố đã truyền cảm hứng cho việc thiết lập ngày 3/5 là Ngày Tự do Báo chí Thế giới và đây được coi là một bước ngoặt mở đường cho việc bãi bỏ quy định về chính trị và kinh tế đối với các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới, từ đó tăng cường tự do báo chí và sự phát triển của truyền thông độc lập, đa nguyên và đa dạng.
Tại lễ kỷ niệm 10 năm Tuyên bố Windhoek, Liên hợp quốc đã ghi nhận sự mong manh của tự do báo chí khi đối mặt với bạo lực chính trị hoặc chủ nghĩa độc tài.
Chương trình dự kiến
Hội nghị sẽ diễn ra trong năm ngày và sẽ bao gồm hơn 35 phiên họp, thảo luận về các vấn đề hiện, về khả năng tồn tại của phương tiện truyền thông, tính minh bạch của các nền tảng trực tuyến, cách thức tăng cường năng lực truyền thông và hiểu biết thông tin. Người tham gia cũng được nghe các bài phát biểu và các cuộc phỏng vấn với những nhà báo nổi tiếng thế giới, các nhà lãnh đạo truyền thông và công nghệ, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực liên quan.
Khán thính giả tham gia hội nghị trực tuyến có thể kết nối mạng, tương tác với các diễn giả, truy cập vào các podcast chuyên dụng, xem các buổi giới thiệu nghệ thuật và chiếu phim trên nền tảng trực tuyến của hội nghị.
Trở thành một phần của Hội nghị
UNESCO gửi lời mời các thành viên của cộng đồng báo chí trên khắp thế giới chia sẻ một video clip ngắn 30 giây trả lời ba câu hỏi liên quan đến Ngày Tự do Báo chí Thế giới năm nay. Các câu hỏi bao gồm:
1. Tuyên bố Windhoek năm 1991 có ý nghĩa gì đối với bạn?
2. Tại sao chúng ta nên coi Thông tin là hàng hóa công cộng?
3. Vai trò của truyền thông và thông tin trong 10 năm tới sẽ thay đổi như thế nào?
Các video clip sẽ được lựa chọn bởi đội ngũ giám tuyển và trình chiếu tại Hội nghị Tự do Báo chí Thế giới 2021.