Hội Trà hoa vàng lần thứ 3 sẽ diễn ra vào cuối tháng 12

0:00 / 0:00
0:00

(Ngày Nay) -  UBND huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), ngày 2-12, cho biết, Hội trà hoa vàng lần thứ 3, gắn với đón nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia Miếu Ông – Miếu Bà và Lễ hội Bàn Vương huyện Ba Chẽ năm 2020, sẽ được tổ chức vào hai ngày, 26 và 27-12.

Hội Trà hoa vàng lần thứ 2, năm 2019, được tổ chức tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Nhân dân Điện tử)
Hội Trà hoa vàng lần thứ 2, năm 2019, được tổ chức tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Nhân dân Điện tử)

Hội Trà hoa vàng năm 2020, có chủ đề “Danh trà đất Việt” sẽ diễn ra vào 19 giờ 30 phút tối 26-12. Đây là năm thứ 3, Hội Trà hoa vàng được tổ chức và có nhiều nét mới, hấp dẫn.

Trong ngày khai hội sẽ trưng bày 185 cây trà đẹp nhất được lựa chọn từ các trang trại, rừng trà, vườn trà trên địa bàn huyện, cùng các gian hàng sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc hữu của các địa phương với hơn 20 gian hàng, du khách sẽ được mua các sản phẩm OCOP và sản vật truyền thống của các địa phương trong tỉnh.

Điểm nhấn của Hội Trà hoa vàng Ba Chẽ năm nay là việc công bố về công dụng của các hoạt chất có trong Trà hoa vàng do các chuyên gia Hà Lan cùng Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KHCN Việt nam nghiên cứu.

Nhân dịp này, huyện Ba Chẽ trang trọng tổ chức lễ đón nhận Di tích cấp quốc gia Miếu Ông – Miếu Bà.

Hội Trà hoa vàng lần thứ 3 sẽ diễn ra vào cuối tháng 12 ảnh 1 Hội Trà hoa vàng Tái hiện các hoạt động tín ngưỡng của dân tộc Dao ở huyện Ba Chẽ. (Ảnh: Nhân dân Điện tử)

Di tích Miếu Ông - Miếu Bà thuộc xã Nam Sơn, cách cầu Ba Chẽ gần 1km. Miếu Ông là nơi thờ Đức thánh phù Trần, Tả tướng quân Lê Bá Đức, ông có công lớn trong việc phò Vua Trần Nhân Tông, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo khi tạm lánh ở sông Ba Chẽ đầu năm 1285, chuẩn bị chiến đấu lâu dài.

Đối diện với Miếu Ông bên kia sông là Miếu Bà, thờ Mẫu Thượng Ngàn (Bà chúa rừng xanh), theo dân gian, bà là hồn thiêng sông núi.

Hằng năm, vào mùng 1 tháng 3 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà. Điểm độc đáo của lễ hội là tục rước nước từ sông Ba Chẽ về thực hiện lễ Mộc dục (lễ tắm tượng). Bên cạnh đó, có lễ rước bài vị Tả tướng quân Lê Bá Đức, lễ dâng hương của nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ và du khách thập phương, bày tỏ lòng thành kính đối với bậc tiền nhân đã có công với nước.

Hội Trà hoa vàng lần thứ 3 sẽ diễn ra vào cuối tháng 12 ảnh 2
Di tích cấp quốc gia Miếu Ông – Miếu Bà. (Ảnh: Nhân dân Điện tử)

Trong lễ hội, diễn ra nhiều trò chơi dân gian, như: Thi gói bánh chưng, đẩy gậy, tung còn, bịt mắt bắt vịt, chèo thuyền bằng chân...

Do có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và tâm linh nên năm 2013, Miếu Ông - Miếu Bà đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh, đến tháng 10-2020, được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Trong khuôn khổ Hội Trà hoa vàng sẽ diễn ra Lễ hội Bàn Vương – một lễ hội cổ truyền quan trọng trong đời sống tâm linh người Dao với chủ đề “Tiếng gọi tổ tiên nơi cửa biển”, tái hiện hành trình “Vượt biển” của người Dao đến vùng đất mới trên 12 con thuyền tượng trưng cho 12 dòng họ của người Dao… để lập nghiệp; nghi lễ tưởng nhớ công ơn ông tổ Bàn Vương – thủy tổ của người Dao; các hoạt động cộng đồng, văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian các dân tộc và đặc biệt là sự quy tụ của rất nhiều nhóm dân tộc Dao ở nhiều địa phương khác như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Phú Thọ…, mang đến nhiều chương trình nghệ thuật mang đậm nét văn hóa của người Dao.

Hội Trà hoa vàng là dịp tôn vinh, quảng bá, truyền thông về sản phẩm Trà hoa vàng và các sản phẩm đặc hữu của vùng đất Ba Chẽ với nguồn tài nguyên vô tận; khẳng định và giới thiệu giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và tâm linh của Di tích lịch sử cấp quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà; đồng thời, quảng bá tiềm năng du lịch thông qua đặc trưng văn hóa và nét đẹp trong trang phục, nghi lễ, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của dân tộc Dao nói riêng; các dân tộc huyện Ba Chẽ nói chung như một lời chào, mời gọi các nhà đầu tư và du khách hãy đến với Ba Chẽ - một vùng đất với khát vọng đi lên đầy hứa hẹn.

Theo Nhân dân Điện tử
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).