Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc. - Ảnh: TTXVN |
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thi nâng ngạch công chức là hoạt động công vụ thường xuyên, quan trọng của cơ quan quản lý nhằm lựa chọn cán bộ, công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm vào ngạch công chức cao hơn và xem xét, bố trí vào vị trí việc làm tương ứng theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019. Bộ Nội vụ là cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính khối cơ quan Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, công chức ngạch chuyên viên cao cấp là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao nhất về một hoặc một số lĩnh vực quản lý nhà nước trong cơ quan, tổ chức hành chính ở Trung ương hoặc cấp tỉnh, chịu trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu tổng hợp, hoạch định chính sách, chiến lược vĩ mô theo ngành, lĩnh vực hoặc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong phạm vi bộ, ngành, địa phương.
Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh thông tin về kỳ thi. - Ảnh: TTXVN |
Tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quy định: Chỉ bổ nhiệm chuyên viên cao cấp đối với công chức làm nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu tổng hợp chiến lược ở các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo cấp ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và người đứng đầu sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.
“Việc tổ chức tốt Kỳ thi này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tại các bộ, ngành, địa phương”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.
Trong quá trình chuẩn bị tổ chức Kỳ thi, Bộ Nội vụ đã thực hiện một số nội dung đổi mới để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch trong kỳ thi và quan trọng hơn là hướng tới mục tiêu chất lượng, thiết thực trong công tác tổ chức thi nâng ngạch công chức, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.
Thí sinh dự kỳ thi. Ảnh: TTXVN |
Nội dung thi môn Đề án sẽ yêu cầu sát với thực tiễn công tác và phải có tính mới, ứng dụng thực tế trong thời gian tới (không sử dụng đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã trình) và phải mang tính chất hoạch định chính sách, chiến lược vĩ mô theo ngành, lĩnh vực hoặc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong phạm vi hoạt động của bộ, ngành, địa phương nơi công tác.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Hội đồng thi, Ban Coi thi, Ban Giám sát kỳ thi, các tổ giúp việc của Hội đồng thi nêu cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị chu đáo trong suốt quá trình tổ chức, thực hiện đầy đủ quy chế, kế hoạch tổ chức Kỳ thi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham dự, bảo đảm một kỳ thi minh bạch, công bằng, nghiêm túc, khách quan, an toàn. Đối với thí sinh tham dự Kỳ thi, Bộ trưởng đề nghị cần nỗ lực, cố gắng, vận dụng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn để hoàn thành tốt các môn thi; chấp hành nghiêm chỉnh Nội quy, Quy chế thi.
Theo Ban Tổ chức, Kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp lần này, có tổng số 1.057 cán bộ, công chức, viên chức dự thi. Khối cơ quan Trung ương có 626 người, trong đó có 98 Vụ trưởng và tương đương; 212 Phó Vụ trưởng và tương đương... Khối địa phương có 431 người, trong đó có 68 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân; 193 Giám đốc Sở và tương đương; 122 Phó Giám đốc và tương đương...