Theo dữ liệu do Bộ Nội vụ công bố đầu tuần này, khoảng 12,59 triệu trong số 124 triệu người Nhật Bản rơi vào độ tuổi này tính đến giữa tháng 9, tăng 270.000 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu cho thấy khi mở rộng sang cả những người từ 75 tuổi trở lên, con số này đã lần đầu tiên vượt mốc 20 triệu, tăng 720.000 trong năm qua.
Nhìn rộng hơn, tính đến ngày 15/9, khoảng 36,23 triệu người Nhật ở độ tuổi từ 65 trở lên, với tỷ lệ kỷ lục là 29,1% dân số hiện đã trên tuổi nghỉ hưu. Trong tổng số đó, 20,51 triệu là phụ nữ.
Các số liệu thống kê càng gây lo ngại hơn ở một quốc gia có dân số giảm khoảng 800.000 người vào năm ngoái, với 1,56 triệu người chết và chỉ 771.000 ca sinh, qua đó đánh dấu năm thứ 15 liên tiếp dân số Nhật Bản suy giảm.
Song song với tình trạng dân số già đi, chi tiêu của chính phủ cho y tế và lương hưu cũng đang tăng lên và hiện chiếm khoảng 1/3 tổng chi tiêu công. Bộ Y tế và Phúc lợi gần đây đã yêu cầu ngân sách 33,73 nghìn tỷ yên (228,3 tỷ USD) cho năm tài chính tiếp theo, tăng 587 tỷ yên (4 tỷ USD) so với năm nay.
Giáo sư Tsukamoto Yoko - chuyên gia kiểm soát nhiễm trùng tại Đại học Khoa học Y tế Hokkaido, cho biết: “Mọi người đơn giản là sống lâu hơn, phần lớn nhờ vào chế độ ăn uống tốt, lựa chọn lối sống lành mạnh, thuốc men ngày càng tốt hơn và tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe cao ở Nhật Bản”.
“Không còn gì lạ khi thấy những người ở độ tuổi 80 và thậm chí 90 đến bệnh viện để phẫu thuật và sau đó được phép về nhà ngay sau đó", giáo sư Tsukamoto nói.
Giáo sư Tsukamoto cũng cho biết đã có những nghiên cứu chứng minh rằng những người lớn tuổi có nhiều tương tác xã hội và kích thích tinh thần sẽ có sức khỏe tốt hơn và lâu hơn những người chỉ tập trung vào tập thể dục.
Trong nhiều năm, chính phủ Nhật Bản đã cố gắng tìm cách khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh con, nhưng dường như nỗ lực này không đem lại hiệu quả. “Điểm mấu chốt là việc sinh con ở hầu hết các nước phát triển đều rất tốn kém, vì vậy đây không phải là vấn đề chỉ riêng ở Nhật Bản”, bà Tsukamoto nói.
Vào tháng 2, Thủ tướng Fumio Kishida cảnh báo đất nước đang “trên bờ vực” của một cuộc khủng hoảng dân số và công bố gói chi tiêu mới trị giá 20 nghìn tỷ yên để hỗ trợ các cặp vợ chồng trẻ mong muốn có con. Con số này tương đương 4% GDP Nhật Bản, gần gấp đôi số tiền chi ra để cố gắng đảo ngược tỷ lệ sinh giảm mạnh vào năm 2021.
Tuy nhiên, việc đảo ngược cuộc khủng hoảng sẽ là một thách thức lớn.
Liên Hợp Quốc dự đoán rằng tất cả 38 quốc gia thành viên hiện tại của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế sẽ là những xã hội siêu già hóa vào năm 2050.
Nhật Bản vốn là quốc gia có tỷ lệ người trên 80 tuổi lớn nhất trên toàn cầu và các nghiên cứu của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng con số này sẽ tăng lên, chiếm 15,1% dân số vào năm 2050, vượt qua Đức là 14,4% và Hàn Quốc là 13,9%.
Đến năm 2100, số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc dự báo rằng 18,5% dân số Nhật Bản sẽ ở độ tuổi từ 80 trở lên, vượt xa Hàn Quốc với 18,7%.
Bất chấp những áp lực do dân số già đi nhanh chóng đang đè nặng lên Nhật Bản, giáo sư Tsukamoto chắc chắn rằng quốc gia này chưa sẵn sàng cho một biện pháp mang tính "chữa cháy": nhập cư.
“Một quốc gia như Mỹ được thành lập dựa trên nhập cư, nhưng Nhật Bản không được xây dựng theo cách tương tự. Nhật Bản cần tập trung vào tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và phát triển công nghệ robot nhiều hơn để bù đắp cho lực lượng lao động đang bị thu hẹp”, bà Tsukamoto chỉ ra.