Ngày 15/4, hơn 2.000 công nhân Công ty TNHH KaiYang chi nhánh tại quận Kiến An, TP Hải Phòng đã đình công, yêu cầu giám đốc người Đài Loan giải quyết một số kiến nghị, trong đó có việc tính mức lương ngày công lao động, bảo hiểm xã hội… Sự việc đến đỉnh điểm khi một số công nhân không tham gia vụ đình công bị chính những công nhân đình công ném mắm tôm, trứng thối vào người.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Bùi Đình Ứng, đoàn Luật sư TP Hà Nội để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Vừa qua, tại Hải Phòng có việc hơn 2000 công nhân Công ty TNHH KaiYang chi nhánh tại quận Kiến An đình công, ném trứng thối vì bức xúc với các tính lương, bảo hiểm... Ông nhìn nhận gì về sự việc này?
“Để có đánh giá khách quan về sự việc chúng ta phải đi tìm cái nguyên nhân của nó. Hãy xem hợp đồng lao động; thoả ước lao động tập thể... của mỗi công nhân như thế nào mới được coi là hoàn thành chỉ tiêu?
Thời gian làm việc tới 12 tiếng/ngày có được tính là làm đêm, thêm giờ, có được người lao động đồng ý không?”.
Hơn 2 nghìn công nhân của Công ty KaiYang đình công. Ảnh Vnexpress.
“Thứ 2, Tổ chức công đoàn của Công ty này có vấn đề, người lao động đã nhiều lần kiến nghị nhưng tổ chức công đoàn (đại diện cho quyền lợi của họ) vẫn không có tiếng nói, cải thiện được tình hình. "Con giun xéo lắm cũng phải quằn", cực chẳng đã họ đã phản ứng tiêu cực bằng cách đình công trái luật như vậy”- ông Ứng cho biết thêm.
Còn về hành động ném trứng thối, mắm tôm vào những công nhân không biểu tình thì có bị coi là phạm luật không, thưa ông?
Tôi xin khẳng định là sai, không nên làm vậy bởi vì: mình không đi làm không có nghĩa là bắt người khác cũng phải theo mình. Tại sao lại hành xử với chính người lao động, bạn bè hàng ngày bên mình như vậy! Họ cần phải nghĩ ngày mai, kia lại đi làm cùng nhau thì biết ăn nói thế nào đây?
Có thể người đang đi làm họ cũng muốn đình công nhưng họ sợ mất việc, họ muốn có lương để chi trả cho cuộc sống gia đình, rất có thể hoàn cảnh gia đình họ quá khó khăn nên họ phải ngậm ngùi làm việc mặc dù trong lòng không hề muốn. Phải biết thương nhau, bao bọc nhau, đừng ném mắm tôm hay những thư khác để làm nhau thương tổn.
Về vấn đề này, tôi không muốn đề cập tới cái "lý" nhưng "cái tình" thì sai thật rồi, nên dừng lại!
Luật sư Bùi Đình Ứng. Ảnh NVCC
Theo ông, trong trường hợp này, các cơ quan chức năng nên xử lý như thế nào?
Theo tôi, lãnh đạo TP Hải Phòng phải khẩn trương chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm làm việc ngay với lãnh đạo công ty; với người lao động để nắm bắt tình hình. Đầu mối quan trọng là Liên đoàn lao động thành phố, cần phải cử người đến trực tiếp giải quyết vấn đề.
Cần lắng nghe nguyện vọng của công nhân, cái nào đúng thì kiên quyết ủng hộ họ, cái nào công nhân không đúng thì phân tích cho họ hiểu để họ vui vẻ, tự nguyện làm việc.
Phải cử người, đơn vị có trách nhiệm làm trung gian để hoà giải mối bất đồng giữa công ty với người lao động; ổn định lại ban lãnh đạo công đoàn công ty thật sự có trình độ, bản lĩnh chứ không phải là cách tay kéo dài của ông chủ.
Cần thiết thì thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động của công ty này; chúng ta khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn nhưng trên cơ sở pháp luật và các bên cùng có lợi chứ không hoan nghênh họ đến để bóc lột sức lao động của người lao động.
Công Luân