Nhắc đến những tháng ngày đã qua, giờ đây ngồi nghĩ lại bà Hồng chưa bao giờ quên được giai đoạn khó khăn nhất của bà và ông Uyên. Đó chính là lúc đấu tranh tâm lí để đến nhận đến với người mình yêu khi bản thân lại thương tật như thế.
“Lúc đó tôi rất mặc cảm cho số phận của mình, bị cụt cả hai tay không làm nổi việc gì. Nhưng chính những lúc đó tôi nhận được lời an ủi động viên từ người yêu mình nên tinh thần đỡ phần nào. Và cuối cùng tôi quyết định đến với ông Uyên bất chấp sự ngăn cản của hai bên gia đình”, bà Hồng tâm sự.
Họ đã bất chấp tất cả để đến với nhau |
Năm 1969, một đám cưới được tổ chức rất đơn giản chỉ có mấy gói bánh kẹo, nước chè với trầu cau tại nhà bà bố mẹ bà Hồng. Trong sự chúc túc của mọi người, gia đình bên nhà gái. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ chưa được bao lâu thì sau đám cưới một ngày, ông Uyên lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ, bà Hồng ở nhà điều trị vết thương.
Vì vết thương tái phát bà Hồng được đưa đến bệnh viện quân khu IV lúc đó có một chi nhánh đang đóng ở Hương Khê. Rồi sau đó chuyển ra an dưỡng tại trung tâm điều dưỡng thương binh huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), (Đây là trung tâm điều dưỡng những thương binh hạng nặng). Sau ngày đất nước được giải phóng ông Uyên xin về công tác tại Trung tâm này. Vì vẫn còn sức khỏe ông vẫn thường xuyên sửa xe lăn cho các đồng chí thương binh nơi này.
Bà Hồng nhớ lại: “Đến điều dưỡng ở trung tâm tôi vẫn thường xuyên trò chuyện với các đồng chí khác ở đây về những câu chuyện lúc còn bom đạn. Và cũng thường xuyên theo dõi thời sự về tình hình đánh phá của địch. Trong lòng luôn mong từng ngày đất nước sớm giải phóng và vợ chồng được sum họp”.
Chiến tranh cũng đã để lại cho ông Uyên không biết bao nhiêu vết thương về thể xác, giờ đây những hôm trái gió trở trời ông vẫn hay bị đau nhức, mệt mỏi…Về ở với nhau ông Uyên trở thành đôi tay thứ hai của vợ mình. Mọi sinh hoạt của bà đều dưới đôi tay của người chồng.
Dãy nhà nơi ông bà sinh sống tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành |
“Vì mất hai cánh tay nên công việc ăn uống hằng ngày của tôi rất khó khăn. Bình thường ông Uyên vẫn hay bón cơm cho tôi ăn, đưa nước cho tôi uống. Những hôm trái gió trở trời ông Uyên mệt, nghĩ thương chồng ngày nào cũng phải phục vụ vợ tưng tý một, nên tôi đã lấy một cái bao da quấn vào tay rồi nhét thìa vào xúc từng thìa cơm. Lúc đầu tự phục vụ mình thế tôi cũng cảm thấy khó khăn nhưng dần rồi thì quen đến bây giờ từ ăn cơm hay đánh răng…thì tôi tự làm được”, bà Hồng chia sẻ.
Bao nhiêu năm sống với nhau ông Uyên cùng bà Hồng đã xây dựng nên một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Đối với ông Uyên không có hạnh phúc nào khi được bên cạnh bà Hồng, trong lòng ông chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi hay chán nản điều gì.
Niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng được nhân lên gấp bội khi năm 1978 đứa con trai đầu Hoàng Tiến Nhân được chào đón, rồi đến năm 1981 đứa con trai thứ hai Hoàng Tiến Đức cũng ra đời. Hai đứa con là niềm hạnh phúc nhất của ông bà. Giờ đây niềm vui hơn nữa là cả hai đứa con đều đã trưởng thành, một người đang là giáo viên của Trường Chuyên Bắc Ninh, một đang là cán bộ của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bắc Ninh.
An dưỡng tuổi già ở trung tâm điều dưỡng thương binh huyện Thuận Thành nhưng trong lòng vợ chồng già ấy vẫn luôn vui vẻ, thoải mái, khi hai đứa con trai đã thành đạt và có gia đình. Rồi cứ cuối tuần có mấy đứa cháu nội xuống chơi với hai ông bà. Cuộc sống bình dị cứ thế trôi đi, “Lời hứa mà ông Uyên đã nói sẽ chăm sóc tôi suốt cả cuộc đời trước khi đến với nhau không bao giờ thay đổi”, bà Hồng vui vẻ nói.