Đây là thành công bước đầu trong lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.
Thành công bước đầu
Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nỗ lực phối hợp vói Bộ Ngoại giao cùng một số Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân để huy động mọi nguồn lực nhằm “hồi hương” ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về nước trong thời gian sớm nhất.
Quyết tâm sưu tầm, hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc. Điều này góp phần khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng, Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.
Đây là việc làm rất có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong thực hiện các cam kết tại các Công ước quốc tế mà nước ta tham gia.
Như tin đã đưa, ngày 19/10/2022, website của Hãng đấu giá Millon (thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris - Pháp) đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802-1945), gồm một ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841), lô số 101 và một bát vàng triều Khải Định (1917-1925), lô số 100 thuộc sưu tập “Nghệ thuật Việt Nam” vào 11 giờ ngày 31/10/2022 (giờ Paris).
Thông qua các minh chứng thu thập được, xác minh bằng phương pháp chuyên gia dựa trên thông tin, hình ảnh hiện vật đấu giá do Hãng đấu giá Millon công khai trên website của hãng, đối sánh với các cổ vật là ấn vàng triều Nguyễn đang được lưu giữ, phát huy giá trị tại một số bảo tàng, di tích trên cả nước, có thể khẳng định: Chiếc ấn vàng (lô số 101) chính là ấn “Hoàng đế chi bảo” được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820-1841).
Theo Đại Nam thực lục của Quốc Sử quán triều Nguyễn, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được đúc vào ngày Giáp Thìn, mùng 4 tháng Hai năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823). Ấn có nuốm (quai) làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng (chính xác là 280 lạng) 9 đồng 2 phân. Phàm chiếu như sắc dụ đều đóng ấn ấy.
Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, vào năm Minh Mệnh thứ 9 (năm 1828), dụ rằng: Ấn báu của nhà nước là để làm việc tuyên bố mệnh lệnh, chỉ bảo rõ ràng những việc phải làm, về khí cụ thì cực kỳ quan trọng, về điển lệ thì cực kỳ to lớn... Gặp có khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cùng là các cáo dụ các thân huân (người thân và người có công), đi tuần thú để xem xét các địa phương, mọi điển lệ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc, dùng ấn Hoàng đế chi bảo.
Như vậy, có thể thấy “Hoàng đế chi bảo” là ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất, quý nhất và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn. Ấn này được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn (vào dịp lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, cùng với sắc thư ban cho nước ngoài...), phản ánh một giai đoạn trong tiến trình lịch sử của quốc gia - dân tộc, là di sản văn hóa quý báu của Nhà nước Việt Nam.
Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng. Ảnh: TTXVN |
Sưu tầm, đưa ấn vàng về Việt Nam là cấp thiết và ý nghĩa
Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định trao lại cho ông để bàn giao cho chính quyền cách mạng. Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn, kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), không rõ thông tin về nơi lưu giữ ấn và kiếm. Năm 1952, hai cổ vật nàỵ đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn, kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953.
Trong 143 năm tồn tại với 13 đời vua, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (gọi là kim bảo), chế tác từ ngọc quý (gọi là ngọc tỷ). Hiện nay, trong sưu tập “Kim Ngọc Bảo Tỷ” của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ, bảo quản được 85 kim ngọc bảo tỷ, trong đổ có hai kim bảo đời Quốc chúa Nguyễn Phúc, còn lại là kim ngọc bào tỉ của 9 đời vua và vương hậu triều Nguyễn.
Đây là sưu tập ấn nằm trong sưu tập Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn, được triều đình nhà Nguyễn giao lại cho chính quyền cách mạng năm 1945 (Liên khu IV lưu giữ sau đó bàn giao cho Bộ Tài chính). Sau đó, Bộ Tài chính giao cho Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) tiếp nhận năm 1959. Bộ sưu tập được gửi lưu giữ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến năm 2017 mới được bàn giao trở lại cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ và phát huy giá trị cho đến nay.
Qua đó có thể thấy rằng, việc sưu tầm, đưa ấn “Hoàng đế chi bảo” về Việt Nam, bổ sung vào bộ sưu tập Kim Ngọc Bảo Tỷ và hoàn thiện nội dung trưng bày về triều Nguyễn trong tiến trình lịch sử Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử quốc gia là hết sức ý nghĩa và cấp thiết.
Nhận thức ý nghĩa tầm quan trọng, các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, chính trị của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, bên cạnh sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan, tổ chức liên quan đã chủ động, nỗ lực, khẩn trương tìm kiếm phương án “hồi hương” cổ vật thông qua biện pháp ngoại giao văn hóa, nhằm thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về với đất nước.
Theo kinh nghiệm quốc tế, việc kiểm chứng tính xác thực của cồ vật được đấu giá cơ bản dựa trên sự bảo đảm, uy tín của các hãng đấu giá. Trên thực tế, Việt Nam đã nhận một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam “hồi hương” về nước theo 3 hình thức. Đó là cá nhân, tổ chức vận động quyên góp, mua cổ vật và hiến tặng về nước (chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh năm 1978). Thứ hai là cá nhân, tổ chức đấu giá từ nước ngoài và hiến tặng về nước (như xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn cho Huế năm 2022). Thứ ba là Chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép cổ vật (18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Hoa Kỳ năm 2022)…
Điều 5 của Luật Di sản văn hóa nước ta nêu rõ: "Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu của toàn dân, công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật".
Về di sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, Khoản 2, Điều 8 cũng chỉ rõ: "Di sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ theo tập quán quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia". Hiện Việt Nam là một trong những nước tham gia Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cản xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa...