Giải tỏa các điểm sạt lở, gây chia cắt
Chiều 4/8, ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, Thanh Hóa cho biết: Hiện, tuyến đường lên trung tâm huyện Mường Lát có hàng chục điểm sạt lở, gây ra tình trạng chia cắt, ắc tắc giao thông. Nếu thời tiết thuận lợi, không còn mưa, cần ít nhất 2 ngày nữa mới có thể cơ bản giải tỏa hết các điểm sạt lở, gây chia cắt trên các tuyến Quốc lộ 15C và 16.
Theo đó, mưa lũ đã khiến tuyến Quốc lộ 15C đoạn qua địa bàn các xã Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi của huyện Mường Lát xuất hiện hàng chục điểm sạt lở. Sở Giao thông - Vận tải đã huy động 4 máy múc hoạt động hết công suất thi công, giải tỏa, thông xe 16 vị trí nhưng công tác giải tỏa vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chiều cùng ngày còn tắc 12 điểm, đoạn từ Km55+380 - Km84, xã Trung Lý đi xã Nhi Sơn; trong đó điểm sạt lở nặng nhất là tại Quốc lộ 15C đoạn qua bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn.
Hiện điểm này vẫn chưa thể thông xe do khối lượng đất đá, bùn đất từ phần ta-luy dương trôi xuống rất lớn. Ngoài ra, một số điểm sạt lở nặng trên tuyến Quốc lộ 15C đoạn qua các xã Pù Nhi (nặng nhất là km số 94 đoạn qua bản Hạ Sơn), Trung Lý (khu vực bản Táo, bản Khằm 1) vẫn chưa thể hoàn tất công tác giải tỏa để thông xe.
Đường tỉnh lộ 521D từ trung tâm xã Mường Lý đi thị trấn Mường Lát bị sạt lở 1.000m3 ta-luy dương tại 5 điểm, sạt ta-luy âm tại hai vị trí dài 10m, đứt đường gây tắc tại Km10+500, thuộc xã Mường Lý, huyện Mường Lát.
Ngoài ra, tuyến đường từ bản Chiềng Cồng lên trung tâm xã Tén Tằn còn 1 điểm sạt lở bùn đất vẫn chưa thông. Từ trung tâm xã Tén Tằn lên xã Quang Chiểu hiện còn 9 điểm sạt lở vẫn chưa thể thông xe. Đường từ cầu Chiềng Nưa lên thị trấn huyện Mường Lát chỉ có xe máy di chuyển được nhưng rất khó khăn…
UBND huyện Mường Lát đã huy động tối đa máy móc, phương tiện tới các điểm sạt lở, khẩn trương giải tỏa khối lượng lớn đất đá, bùn đất sạt lở trên Quốc lộ 15C, Quốc lộ 16, đường tỉnh 521D.
Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo các xã Trung Lý, Pù Nhi, Nhi Sơn vận động, di dời các hộ dân các bản nằm dọc tuyến đường 15C, 16 ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Từ đêm 3/8 đến đến trưa 4/8, huyện Mường Lát đã tiến hành di dời hàng chục hộ dân khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn. Công tác hỗ trợ về sinh hoạt, đời sống của các hộ dân buộc phải di dời cũng đã thực hiện kịp thời.
Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa và UBND huyện Mường Lát đang huy động tối đa máy móc, phương tiện, con người để giải tỏa các điểm sạt lở, chia cắt trên 2 tuyến quốc lộ trọng điểm là 15C và 16, phấn đấu giải thế bị cô lập cho huyện Mường Lát trong thời gian sớm nhất.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, bão số 3 gây thiệt hại 8 ngôi nhà ở huyện Trạm Tấu; trong đó có 7 hộ bị lún ta-luy âm nền nhà, 1 hộ bị nước khe suối tràn vào nhà.
Ngoài ra, mưa bão còn gây sạt lở móng và đổ 7 cột điện ở thị xã Nghĩa Lộ, sạt lở đá tại tuyến đường tỉnh lộ 174 (qua địa phận huyện Trạm Tấu), tuy nhiên không gây ách tắc giao thông; làm sạt lở tỉnh lộ 170 gây cản trở giao thông tại khu vực gần ngã 3 cổng trường Trung học phổ thông Cảm Nhân, sạt lở ta-luy âm đường bê tông đi từ xã Cảm Nhân đến xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình và sạt lở đất đồi đằng sau trường Trung học phổ thông Cảm Nhân với khoảng 1.100 mét khối đất.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy các huyện Yên Bình, Trạm Tấu đã chỉ đạo các xã tập trung huy động lực lượng giúp các gia đình khắc phục thiệt hại; kiểm tra thống kê tình hình thiệt hại, rà soát di dời người dân đến nơi an toàn , khắc phục nhà cửa cho các hộ bị thiệt hại. Công ty điện lực Yên Bái khắc phục sự cố cột điện bị đổ, nghiêng nứt nhằm đảm bảo an toàn cấp điện lại cho phụ tải.
Kiểm tra khu vực thiệt hại, chỉ đạo khắc phục kịp thời
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương: Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đã gây ra mưa và gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hoàn lưu của áp thấp sau bão vẫn còn có thể gây mưa kéo dài đến ngày 5/8.
Áp thấp sau bão đã làm 3.276 ha lúa bị ngập úng, 193 ha hoa màu, cây chuyển đổi, cây lâu năm, cây ăn quả bị ngập… Mưa gió cũng gây ra 69 sự cố lưới điện trung áp và hạ áp (chủ yếu là đường dây bị đứt, cột điện bị nghiêng, máy biến áp bị hỏng).
Tại thành phố Hải Dương, nhiều cây xanh bị gió quật đổ, nhiều tuyến đường ngập cục bộ, đặc biệt là khu đô thị phía Đông Nam Cường. Gió lớn cũng khiến 258 cây xanh ở thành phố Chí Linh bị đổ gãy, 4.000 con gà ở xã Hoàng Hoa Thám bị chết.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên điện lực Hải Dương đã chỉ đạo điện lực các địa phương nhanh chóng huy động nhân lực và phương tiện tập trung khắc phục các vị trí bị ảnh hưởng, đảm bảo cấp điện đầy đủ cho các phụ tải quan trọng. Các đơn vị thành viên tiếp tục bám sát diễn biến mưa bão, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định, ưu tiên cung cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng để thực hiện việc bơm tiêu.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đang triển khai phương án tiêu úng, ưu tiên cho diện tích lúa, cây rau màu ở vùng thấp, trũng và các khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung. Đối với các diện tích sản xuất nông nghiệp ở vùng trũng có nguy cơ úng ngập thì chủ động bơm gạn tháo nước đệm để đảm bảo không ngập úng khi có mưa lớn.
Tại tỉnh Bắc Kạn, tính tới 16 giờ ngày 4/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nên các khu vực tỉnh Bắc Kạn có mưa vừa, mưa to.
Dự báo đêm 4/8, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tiếp tục có mưa. Do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, nên cần đề phòng sạt lở đất ở ta-luy dương và các tuyến đường giao thông, lũ quét trên các suối nhỏ.
Mưa kéo dài khiến nhiều địa phương bị thiệt hại nặng. Cụ thể tại huyện Na Rì có 2 nhà bị sạt ta-luy dương tại xã Đổng Xá; đã có 25 ha lúa ở các xã: Văn Minh, Đổng Xá, Xuân Dương, Hảo Nghĩa, Dương Sơn; 23 ha ngô các xã: Dương Sơn, Hảo Nghĩa, Xuân Dương, Đổng Xá; 2,5 ha lạc tại xã Đổng Xá, Dương Sơn bị thiệt hại. Sạt lở các tuyến đường liên thôn, trục thôn với khối lượng khoảng 60m3 tại xã Dương Sơn.
Tại huyện Chợ Mới có 35 ha ngô, lúa tại các xã Yên Hân, Nông Hạ, Thanh Vận, Nông Thịnh, Thanh Mai bị thiệt hại; 6 hộ tại các xã Nông Hạ, Nông Thịnh và xã Yên Hân và Cao Kỳ bị sạt lở ta-luy dương; 2,5 ha ao cá bị nước tràn qua tại xã Yên Hân và Nông Hạ; sạt lở đường đoạn vào xã Mai Lạp; sạt lở đường đi Thôn Tát Vạ và các tuyến đường trong thôn xã Yên Hân, sạt Lở đường đi thôn Tân Minh xã Cao Kỳ.
Do ngập lụt và sạt lở đã cô lập thôn Chộc Tòng, xã Cao Kỳ do ngập tràn và Thôn Tát Vạ, xã Yên Hân do sạt lở đường. Tại vị trí km142 thuộc địa phận xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới tiếp tục có sạt lở gây tắc đường, hiện tuyến này đã thông nhưng khu vực này tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở cao nếu trời tiếp tục có mưa.
Ước tính thiệt hại trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn khoảng 2,7 tỷ đồng.
Khi xảy ra mưa lũ trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường sạt lở tại Quốc lộ 3 và chỉ đạo khắc phục. Chính quyền các địa phương bị thiệt hại đã xuống kiểm tra các khu vực bị thiệt hại, chỉ đạo người dân khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời huy động các lực lượng tại địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Văn phòng thường trực phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức trực ban theo quy định, liên tục cập nhật thông tin thời tiết, cảnh báo đến các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan và người dân để chủ động phòng tránh.
Tích cực tiêu thoát nước, chống úng
Các địa phương ở Hưng Yên đang tích cực tiêu thoát nước chống úng, bảo vệ lúa và hoa màu bị ngập úng cục bộ do mưa lớn. Do ảnh hưởng của bão số 3 kéo theo mưa lớn liên tiếp trong 2 ngày 3 và 4/8, tại nhiều địa phương ở Hưng Yên đã có hàng trăm hécta lúa, rau màu và cây ăn quả bị ngập trong nước.
Để khắc phục tình trạng trên, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên đã huy động 50 trạm bơm với hơn 200 tổ máy hoạt động hết công suất để tiêu nước ra các kênh thoát nước trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải; trong đó thị xã Mỹ Hào huy động 18 trạm bơm, huyện Phù Cừ 6 trạm, huyện Kim Động 4 trạm.
Tại huyện Văn Giang và Khoái Châu, các trạm bơm Nghi Xuyên, Liên Nghĩa và cống qua đê sẵn sàng để bơm tiêu nước. Riêng trạm bơm Liên Nghĩa đã huy động 5 tổ máy hoạt động hết công suất
Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi các huyện cũng đã mở các cửa cống để thoát nước, hoành triệt các cống dưới đê sông Hồng, sông Luộc để kịp thời xử ý các sự cố; tập trung khoanh vùng tiêu nước cho các vùng trồng cây ăn quả ở các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ và các vùng trũng cấy lúa, nuôi trồng thủy sản của các huyện Ân Thi, Phù Cừ. Ngành điện lực đã kịp thời khắc phục sự cố mất điện tại một số trạm bơm ở huyện Ân Thi và thị xã Mỹ Hào.
Trên các tuyến sông trục thuộc hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải như: Cửu An, Đồng Quê, Tây Tân Hưng, Kim Ngưu... được khơi thông, giải tỏa vật cản dòng chảy, không để ách tắc việc tiêu nước, cắt tỉa cây cối ven đường để tránh bị gãy đổ. Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi các huyện đã chủ động bơm gạn tháo nước đệm ở những nơi có mực nước cao, không để lúa bị ngập úng trên diện rộng.
Tại các huyện Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ đã chủ động tiêu thoát nước đệm đảm bảo an toàn cho diện tích lúa, đặc biệt với lúa gieo thẳng, khoanh vùng bơm tiêu các vùng ruộng trũng. Các trạm bơm như: Quang Trung, Mai Xá, Triều Dương, An Viên đã hoạt động hết công suất để tháo gạn nước trên các nhánh sông trục, đảm bảo thoát nước nhanh.
Các huyện Kim Động, Khoái Châu tập trung hướng dẫn nông dân phòng chống ngập cho diện tích rau màu, cây ăn quả, chằng chống cho toàn bộ diện tích chuối hạn chế đổ gãy, thu hoạch các diện tích nhãn đã chín. Huyện Ân Thi và Phù Cừ chỉ đạo nông dân cơi cao bờ bao các hồ nuôi thả cá, neo giữ lồng bè; tranh thủ đánh bắt cá đến thời kỳ thu hoạch, không để bị trôi theo nước ngập úng.
Hiện Công ty Điện lực Hưng Yên đang phối hợp chặt chẽ với Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi các địa phương để chủ động kiểm tra, có phương án cấp điện cao nhất cho tất cả các trạm bơm tiêu úng, thoát nước, không để mưa lớn gây thiệt hại lúa và hoa màu, bảo đảm an toàn cho sản xuất.