Chiến dịch mang tên Serengeti này do Interpol và Cảnh sát hình sự châu Phi Afripol chỉ đạo, nhắm vào những đối tượng bị tình nghi là tội phạm mạng, bao gồm sử dụng phần mềm tống tiền, tống tiền kỹ thuật số, lừa đảo trực tuyến và các chương trình lừa đảo qua email. Theo Interpol, tổ chức này đã xác định được hơn 35.000 nạn nhân với mức thiệt hại tài chính gần 193 triệu USD trên toàn thế giới.
Tổng thư ký Interpol Valdecy Urquiza nêu rõ: “Từ các vụ lừa đảo tiếp thị đa cấp đến gian lận thẻ tín dụng, khối lượng và mức độ tinh vi ngày càng tăng của các vụ tấn công do tội phạm mạng thực hiện đang là mối quan ngại lớn. Chiến dịch Serengeti cho thấy những gì chúng ta có thể đạt được thông qua hợp tác. Chúng tôi biết rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các nhóm tội phạm này trên toàn thế giới”
Theo báo cáo kết quả hoạt động của Interpol, cảnh sát ở Kenya đã bắt giữ gần 20 đối tượng liên quan đến gian lận thẻ tín dụng với số tiền 8,6 triệu USD. Có 8 người bị bắt giữ tại Senegal với các cáo buộc liên quan đến hình thức gian lận đầu tư trực tuyến Ponzi với hơn 1.800 nạn nhân. Trong khi đó ở Nigeria, chính quyền nước này đã bắt giữ một người đàn ông bị tình nghi dàn dựng các vụ lừa đảo đầu tư trực tuyến liên quan đến tiền điện tử và đã kiếm được hơn 300.000 USD. Tại Cameroon, chính quyền sở tại đã bắt giữ một nhóm người bị tình nghi buôn người từ 7 quốc gia. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), nhiều người tham gia hoạt động lừa đảo trực tuyến đã trở thành nạn nhân của các vụ buôn bán người. Đầu tháng này, Interpol đã phát hiện một số trường hợp khác ở châu Phi liên quan đến nạn nhân buôn người bị "bạo hành về thể chất và tinh thần" và bị ép buộc làm việc theo mô hình lừa đảo kim tự tháp.