K-pop, cầu nối hòa bình của người Hàn Quốc

(Ngày Nay) - "Chúng ta không thể có một cuộc chiến Triều Tiên khác. Các bạn đồng ý với tôi chứ?", ông Jung Ki-youl, người đứng đầu chính quyền địa phương, phát biểu trước 25.000 người trẻ tuổi Hàn Quốc tại Công viên Hòa bình Nuri, chỉ cách vùng phi quân sự (DMZ) chia cách 2 miền Triều Tiên có vài km.
Nhóm B1A4 của Hàn Quốc biểu diễn trong sự kiện âm nhạc tổ chức sát biên giới Triều Tiên hồi cuối tuần trước. (Nguồn: AP)
Nhóm B1A4 của Hàn Quốc biểu diễn trong sự kiện âm nhạc tổ chức sát biên giới Triều Tiên hồi cuối tuần trước. (Nguồn: AP)

Đám đông người trẻ tuổi Hàn Quốc trong hôm cuối tuần trước đã chờ đợi suốt 2 giờ đồng hồ để được xem buổi ca nhạc của các ngôi sao nổi tiếng nhất trong giới K-pop, một thể loại nhạc pop đặc trưng của nước này.

"Đó là lý do buổi ca nhạc này thật có ý nghĩa" - ông Jung nói - "Hãy cùng hô vang "không" với tên lửa và vũ khí hạt nhân và "chúng tôi muốn hòa bình". Có thể Triều Tiên sẽ nghe thấy chúng ta".

Đám đông như bùng nổ sau khi họ được xem các thần tượng âm nhạc của mình biểu diễn tại công viên Nuri, trong đó có Girl's Generation, BTOB, Cosmic Girls, Mamamoo và GFriend - các nhóm nhạc góp mặt trong buổi diễn mùa Hè thường niên nhân sự kiện Âm nhạc Hòa bình DMZ.

Nam Hyung-jin, 18 tuổi, một sinh viên đang học tiếng Trung, đã phải đi 70 dặm để đến thành phố Osan. Anh cảm thấy rất phấn khích về việc tham gia buổi ca nhạc này bởi biết rằng nó được tổ chức rất gần với Triều Tiên. Dù cảm thấy rất khó chịu trước tình hình căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên gần đây, nhưng sau nghe bản hit "Happy" của Cosmic Girls, Nam nói rằng anh hy vọng Triều Tiên có thể nghe thấy "âm thanh của tự do" từ Hàn Quốc.

"Còn gì tự do hơn là việc được nghe K-pop ngay tại biên giới với Triều Tiên?" - Nam nói - "Tôi hy vọng Triều Tiên cũng hiểu được rằng tự do có thể đem đến nhiều niềm vui như thế nào và sẽ lựa chọn con đường hòa bình".

Đây là lần thứ 7 chính quyền địa phương cùng kênh truyền hình quốc gia Hàn Quốc MBC tổ chức sự kiện Âm nhạc Hòa bình DMZ. Sự kiện chào mừng ngày giải phóng quốc gia mà cả hai miền Triều Tiên đều có chung. Sự kiện năm nay có khẩu hiệu "Một lần nữa, Hòa bình!", được tổ chức với sự tham gia của đại diện Bộ Thống nhất Hàn Quốc.

"Những thanh niên trẻ tuổi tới tham gia sự kiện này sẽ hiểu rõ hơn về việc thống nhất và các vấn đề an ninh, khi mà họ ngồi ở gần biên giới với Triều Tiên" - ông Kim Nan-young, Phó Giám đốc phòng Văn hóa thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho hay.

Và nỗ lực của chính phủ Hàn Quóc dường như đã tỏ ra khá hữu hiệu. Kim Ha-min, 15 tuổi, một học sinh trung học đến tham gia sự kiện âm nhạc từ Incheon, nói rằng, đối với cô, Triều Tiên từng là thứ gì đó đáng sợ, một nơi xa xôi, nhưng sau khi đến tham dự sự kiện âm nhạc, Kim nói suy nghĩ của cô đã thay đổi rất nhiều.

"Lời bài hát khiến tôi nhận ra rằng có những người giống như chúng tôi đang sống ở Triều Tiên" - Kim nói - "Họ chỉ ở ngay bên kia biên giới mà thôi".

Trong khoảng thời gian nghỉ giữa giờ, một màn hình lớn đằng sau các ngôi sao K-pop chiếu về viễn cảnh một xã hội hòa bình và thống nhất trên toàn bán đảo Triều Tiên, khi mà người dân Hàn Quốc tự do đi nghỉ dưỡng ở Triều Tiên và người trẻ tuổi ở hai bên cùng gặp gỡ, kết bạn.

Một số người trẻ tuổi như Yang Ahn-na, 14 tuổi, một fan hâm mộ của BTOB đến từ thành phố Paju, nói rằng cô cảm thấy hơi thất vọng vì sự kiện này không hoàn toàn là một buổi diễn ca nhạc.

"Chính phủ muốn sử dụng K-pop để thu hút chúng tôi tới buổi ca nhạc này để họ tuyên truyền về thống nhất" - Yang nói.

Một số người khác tham gia sự kiện cũng đồng tình. "Sử dụng ngôi sao K-pop để thu hút sự quan tâm của giới trẻ đối với vấn đề thống nhất dường như không đúng lắm", Cho Eun-sol, 26 tuổi, nhân viên phát triển nhân sự đến từ Seoul, nói, "Điều này sẽ tạo ra gánh nặng đối với các nghệ sỹ tham gia".

Tuy nhiên, bạn trai của Cho, Ha Bong-ahn, 27 tuổi, kỹ sư máy tính đến từ Seoul, lại cảm thấy khác. Anh Ha, người từng đi nghĩa vụ quân sự gần biên giới giữa hai miền Triều Tiên cách đây vài năm, nói rằng người dân Hàn Quốc không nên quên về mối đe dọa chiến tranh luôn rình rập, khi mà hai miền còn chia cắt.

"Đó là lý do mà người ta nên quan tâm hơn tới vấn đề thống nhất, và nếu các nghệ sỹ K-pop có thể giúp được thì rất tốt" - anh Ha nói.

Sự kiện âm nhạc kết thúc khi tất cả các nghệ sỹ K-pop cùng xuất hiện trên sân khấu để hát chung một bài hát có nội dung rằng mọi người đều hạnh phúc trong ngày mà hai miền Triều Tiên thống nhất.

"Ban đầu tôi cảm thấy khá sợ hãi khi đến gần biên giới với Triều Tiên như thế này" - Kim Na-young, 14 tuổi, đến từ đảo Geojedo - "Nhưng tôi mừng vì đã đến đây. Giờ tôi hiểu rằng chúng tôi có thể vui chơi ở bất cứ đầu, thậm chí ngay cả khi Triều Tiên đe dọa chúng tôi".

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).