Vaccine do AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển đã chứng minh hiệu quả 62%, còn cách xa mức độ hiệu quả trên 90% mà các loại vaccine của Nga và Mỹ chứng minh trước đó, theo nguồn tin từ Sputnik.
Các nhà phát triển vaccine Sputnik V của Nga đã đề nghị công ty AstraZeneca thử một phác đồ thử nghiệm trong vòng thử nghiệm vaccine mới của mình. Cụ thể, phía Nga khuyến nghị sử dụng hai loại vaccine khác nhau, chủng ngừa của chính Sputnik V và AstraZeneca để cố gắng “tăng cường hiệu quả” của vaccine COVID-19.
Hai loại vaccine này đều dựa trên việc cấy virus Adeno, cung cấp các phần của bộ gen virus SARS-CoV-2, lên tế bào người được tiêm, nhưng vaccine Sputnik V sử dụng virus Adeno của người, trong khi phương pháp cấy của AstraZeneca dựa trên tinh tinh.
Trước đó, các nhà khoa học Nga đã chỉ ra rằng hiệu quả của việc sử dụng virus Adeno ở người đã được nghiên cứu rộng rãi, trong khi virus Adeno ở các loài linh trưởng khác tương đối mới và chưa được nghiên cứu triệt để.
Đề xuất từ các nhà phát triển vaccine của Nga được đưa ra sau khi AstraZeneca thông báo sẽ xem xét thực hiện một thử nghiệm mới cho vaccine của mình sau khi thử nghiệm ban đầu chỉ cho hiệu quả 62%.
"Chúng tôi cần tiến hành thử nghiệm bổ sung để đạt được độ hiệu quả lớn hơn", CEO của AstraZeneca Pascal Soriot trả lời Bloomberg.
Ông Soriot cho biết thử nghiệm bổ sung không làm trì hoãn tiến độ phê duyệt vaccine của AstraZeneca tại Vương quốc Anh và EU.