Vân Anh (21 tuổi, Nghệ An) và Văn Ngũ (31 tuổi, Hà Nội) đều cùng chung niềm say mê với những chuyến leo núi. Năm 2021, Vân Anh lần đầu tham gia vào một đoàn trekking. Những trải nghiệm mới lạ đó khiến cô bạn luôn nhen nhóm quyết tâm lên đường. Còn Văn Ngũ, với niềm đam mê xê dịch mãnh liệt, đã gắn bó với hành trình chinh phục những đỉnh núi suốt 6 năm qua.
“Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi”
Trước mỗi hành trình đều cần có sự chuẩn bị, nhất là đối với hành trình thử thách như trekking, sự chuẩn bị lại kỹ càng hơn rất nhiều. Vậy nên, một chuyến đi có khi phải bắt đầu trước cả tuần. “Chúng mình cần chuẩn bị nhiều thứ, từ hậu cần, liên hệ porter, đến mua đồ leo như giày, balo, găng tay, gậy leo núi, đèn pin….”, Văn Ngũ cho biết. Thông thường, các đoàn leo mới cần thuê Porter. Họ là những người dân bản địa, sẽ dẫn đường, mang đồ đạc và phụ giúp cả đoàn trong quá trình leo núi. Với người đã leo nhiều như Văn Ngũ, anh thích tự mình dẫn đường để được tối đa hóa trải nghiệm trekking.
Cả Vân Anh và Văn Ngũ đều bắt đầu chuyến trekking đầu tiên với Bạch Mộc Lương Tử (Kỳ Quan San). Dãy núi nằm ở ranh giới hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Với độ cao 3.046 m so với mực nước biển, Bạch Mộc Lương Tử là một trong những dãy núi khó leo nhất với thời gian leo trung bình mất 3 ngày 2 đêm.
Cả đoàn cùng nhau “chinh chiến” trên cung đường leo núi. Ảnh: NVCC |
Chuyến đi đầu tiên gần như là chuyến đi nhiều kỷ niệm nhất. Với Vân Anh, đó là lần đầu cô bạn vượt qua một cung đường dài với nhiều địa hình khác nhau để lên tới được đỉnh núi. “Có những đoạn đi qua rừng trúc, đường lầy do trời mưa, nên mọi người trong đoàn thi nhau ngã giữa vũng lầy. Hay có đoạn đi qua vách tử thần, đó là đoạn vách núi thẳng đứng, chúng mình vừa đi vừa bám sát vào vách núi, trông rất nguy hiểm, đến giờ mình vẫn không thể tin được mình đã vượt qua được đoạn đường đó”, Vân Anh chia sẻ.
Nhớ lại lần đầu leo núi, Văn Ngũ cho biết đó là một chuyến đi khó khăn. “Vào năm 2016, mình leo Bạch Mộc theo đường hướng sang Y Tý (Lào Cai). Đường khi đó vẫn còn xấu, chưa được hoàn thiện, nhiều đoạn còn là đường bùn lầy rất khó đi. Ấy vậy mà mình vẫn quyết tâm leo. Hôm đấy 18h trời tối nhưng cả đoàn vẫn phải cố đi lên lán để nghỉ, đến nơi thì trời bắt đầu mưa. Chúng mình nhóm lửa để nấu cơm mà mãi không được, chỉ thấy khói mù mịt. Vậy là không hiểu sao cả lũ lại ngồi khóc với nhau”, anh kể lại.
Sau mỗi chuyến đi như vậy, tình cảm của cả đoàn tăng lên đáng kể. Những lúc vui buồn, những khi mệt mỏi muốn chùn chân, cả đoàn leo lại cùng đốc thúc nhau cố gắng.
Check-in tại cung đường lên đỉnh núi. Ảnh: NVCC |
Hành trình trekking vốn chẳng dễ dàng, có thể lên tới đỉnh núi hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm và ý chí của người leo. Như Văn Ngũ, anh đã leo gần hết các ngọn núi ở Việt Nam, nhưng nhiều khi suy nghĩ bỏ cuộc vẫn chợt hiện trong đầu. “Có những lúc cảm giác không thể đi được nữa, chân mình đau, người mình mệt, bụng mình đói, nhưng mình vẫn phải đi. Bởi mình đã có mục tiêu là mình phải lên tới đỉnh, không có đường khác nữa. Như là trong cuộc sống này, mình có mục tiêu, mình luôn phải hướng đến mục tiêu đó thì mới có thể thành công được”, anh bày tỏ.
Giây phút nghỉ ngơi giữa lưng chừng núi. Ảnh: NVCC |
“Để ta khắc tên mình trên đời”
Giây phút vỡ òa khi đặt chân lên đỉnh núi là giây phút mà người leo núi không bao giờ quên. Đó là khi cảm thấy, bản thân vượt qua cung đường vất vả chỉ để đổi lấy khoảnh khắc nhìn thấy ánh bình minh trên đỉnh núi là vô cùng xứng đáng.
Khoảnh khắc đón bình minh trên đỉnh núi. Ảnh: NVCC |
“Cái khoái nhất, chính là lúc đã leo tới đỉnh núi ấy, mình ngồi đấy và ngắm nhìn thiên nhiên xung quanh. Lúc đó trong lòng đang sung sướng lắm, vì thấy mình đã đạt được thành tựu mới, là chinh phục được ngọn núi ngay dưới chân mình đây”, Vân Anh bày tỏ.
Lạc vào giữa biển mây trên đỉnh núi. Ảnh: NVCC |
Nhìn lại cả hành trình trekking mới thấy mỗi chuyến đi vừa là cơ hội, vừa là thử thách đối với người leo núi. Cơ hội được khám phá thiên nhiên một cách gần gũi nhất, và thử thách chính bản thân mình vượt qua cả cung đường nhọc nhằn để lên tới đỉnh núi. “Mỗi lần trekking, mình sẽ tăng tính tự lập, tăng khả năng teamwork. Đó là lúc bản thân mình giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống thường nhật, hòa hợp với thiên nhiên, và nâng cao sức khỏe”, Văn Ngũ chia sẻ những lợi ích mà anh nhận được sau mỗi chuyến đi.
“Mình chỉ muốn được đi để trải nghiệm mãi thôi!” - đó không chỉ là suy nghĩ của riêng Vân Anh, mà còn của rất nhiều người trẻ có chung niềm đam mê leo núi khác. Bởi mỗi lần “chinh phục” được một đỉnh núi là một cột mốc đáng nhớ của tuổi trẻ đã được khắc ghi.