Trong đó, khách quốc tế đạt 2,03 triệu lượt khách, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch đạt 44,9 nghìn tỷ đồng, tăng 74,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành Du lịch Thủ đô đã triển khai nâng cấp, phát triển các tuyến du lịch từ trung tâm thành phố đến: Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); chùa Hương (huyện Mỹ Đức) kết nối với khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) - Tràng An (Ninh Bình); khu vực Sơn Tây - Ba Vì; Thạch Thất - Quốc Oai; Đông Anh - Sóc Sơn.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội được đẩy mạnh nhằm thu hút khách du lịch đến với Thủ đô.
Sở Du lịch đang triển khai đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, website, nền tảng mạng xã hội và các hình thức tuyên truyền, quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng nhằm tạo sức lan tỏa lớn với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”.
Sở Du lịch Hà Nội đang tổ chức thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng, bộ nhận diện du lịch, ấn phẩm du lịch Hà Nội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa Thủ đô, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và phục vụ khách tại các điểm tham quan.
Để thực hiện công tác chuyển đổi số, Sở Du lịch Hà Nội triển khai phầm mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành Du lịch (dulich.myhanoi.vn) và đưa vào khai thác từ đầu năm 2023 gồm: Khách du lịch; hành vi khách hàng; bản đồ số du lịch; tài nguyên, di sản và sản phẩm du lịch; dịch vụ mua sắm; dịch vụ vui chơi, giải trí...
Sở cũng hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch về lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến du lịch tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ các đơn vị xây dựng sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ cao như: 3D, Flaycam, Mapping, công nghệ thực tế ảo trong phát triển sản phẩm du lịch.