Theo thông tin từ TTXVN, đây là một trong 3 di tích thuộc cụm di tích quốc gia đặc biệt Đền Xưa - chùa Giám - Đền Bia thờ vị Thánh thuốc Nam: Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Tại lễ khai hội, các đại biểu đại diện bộ, ngành trung ương, tỉnh Hải Dương và nhân dân thập phương đã thành kính dâng hương, tưởng nhớ tới công đức của Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Nghi lễ tế Đức Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh - Ảnh: Báo Hải Dương |
Đại danh y Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh năm 1330, tại thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Sinh thời, ông đỗ Thái học sinh năm 22 tuổi nhưng không ra làm quan mà tận tâm nghiên cứu, bào chế nhiều loại thuốc Nam để cứu giúp những người bệnh nghèo.
Cùng với làm thuốc, ông đã có công xây dựng 24 ngôi chùa, không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là y xá để cứu chữa cho nhiều người bệnh. Ông đã có công lớn giúp phong trào trồng và sử dụng thuốc Nam ngày càng phát triển.
Năm ông 55 tuổi, ông được cử đi sứ nhà Minh (Trung Quốc) và được triều đình nhà Minh phong là “Đại y Thiền sư” rồi giữ lại làm việc ở Viện Thái y. Ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc.
Nhiều năm sau, có vị tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638 - 1699) là người cùng làng với ông, trong lần đi sứ Trung Quốc đã gặp mộ phần của Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh. Xúc động trước tấm bia khắc lời di nguyện của Tuệ Tĩnh: “Sau này có ai bên nước Nam sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã cho người dập mẫu tấm bia, cho thợ làm lại và chở về quê.
Tương truyền, trên đường về, đến vị trí của đền hiện nay, thuyền bị lật, tấm bia bị chìm không lấy lại được. Sau này, người dân tìm thấy tấm bia và lập miếu thờ. Đền Bia được xây dựng từ thời Lê và qua nhiều thế kỷ đã được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, tấm bia đó được thờ trang trọng trong hậu cung của Đền Bia.
Cả cuộc đời Tuệ Tĩnh đã để lại cho hậu thế nhiều di sản quý báu: đóng góp cho kho tàng tri thức y, dược học dân tộc; y đức và tinh thần tự tôn dân tộc với phương châm “Nam dược trị nam nhân”. Ông đã tập hợp, hệ thống lại các phương pháp chữa bệnh thành 10 khoa, trên 3.800 phương thuốc, 580 vị thuốc chữa 184 loại bệnh.
Báo Hải Dương đưa tin, lễ hội truyền thống đền Bia năm nay được tổ chức với nhiều điểm mới, góp phần quảng bá các giá trị văn hoá tiêu biểu của lễ hội và di tích quốc gia đặc biệt. Diễn ra trong 2 ngày 4 và 5/5 (ngày 30/3 và 1/4 âm lịch), lễ hội có nhiều hoạt động đặc sắc. Bên cạnh nghi lễ tế và dâng hương được tổ chức trang trọng, lễ chữ dâng Thánh "Nam Dược Thánh nhân" được đổi mới với màn rước chữ dâng Thánh. Đoàn rước gồm 2 người rước bát bửu đi trước, tiếp theo là 1 người rước trống chầu, sau đó là 4 người rước 4 chữ "Nam", "Dược", "Thánh", "Nhân", cuối cùng là 36 người thuộc Đội Lễ chữ Mậu Tài dần tiến vào sân khấu để thực hiện lễ chữ. Phần hội cũng diễn ra nhiều hoạt động như chương trình văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian hấp dẫn như hát quan họ, giao lưu bóng chuyền, bịt mắt đập niêu đất, câu cá trong chai, kéo co…
Màn rước chữ dâng Thánh - Ảnh: Báo Hải Dương |
Ban Tổ chức lễ hội đã phối hợp với một số công ty dược, Hội Đông y huyện Cẩm Giàng, Hội đông y thành phố Chí Linh tổ chức kê đơn bắt mạch, tư vấn sức khỏe và phát tặng hàng nghìn gói thuốc nam cho đại biểu và du khách về dự hội.