Chợ hoa Tết truyền thống tại các tuyến phố Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Rươi và Hàng Khoai - người dân thường quen gọi là chợ hoa Hàng Lược, từ lâu đã trở thành một nét sinh hoạt độc đáo của người dân phố cổ nói riêng, người dân Hà Nội nói chung.
Điểm đặc biệt của chợ hoa Tết truyền thống là chỉ họp một lần duy nhất trong năm, bắt đầu từ ngày 15 đến ngày 30 tháng Chạp, càng gần Tết càng đông vui, tập nập tạo nên một không gian náo nhiệt mang đậm không khí Tết Hà thành. Người dân đi chơi chợ Tết, có thể mua sắm những cây quất cảnh, hoa tươi, hoa đào và đồ trang trí, đồ giả cổ, hoa lụa...
Bên cạnh việc tổ chức chợ hoa Tết truyền thống, từ năm 2018 quận Hoàn Kiếm đã tổ chức giới thiệu không gian Bích họa trên tuyến phố Phùng Hưng (đoạn giữa phố Hàng Cót và phố Lê Văn Linh), tạo thêm một không gian văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng.
Đây cũng là tiền đề hình thành Không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu gắn kết với không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội và chợ hoa Tết hằng năm trên địa bàn quận. Khu vực này tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề truyền thống; các dòng tranh dân gian…
Thời gian tổ chức chợ hoa truyền thống Hàng Lược và các hoạt động tại không gian bích họa phố Phùng Hưng từ 8 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, kéo dài đến ngày 31/1 (29 tháng Chạp). Địa điểm này luôn thu hút đông đảo người dân trên địa bàn thành phố đến mua sắm, chụp ảnh.
Trước bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng và triển khai phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ hoa Tết. Trong đó, quận đã giảm 50% số lượng ô kinh doanh tại khu vực chợ; tổ chức ký cam kết thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các hộ kinh doanh, gian hàng trong chợ.
Tại khu vực lối vào chợ hoa Tết, tổ chức lực lượng đo thân nhiệt, yêu cầu người bán hàng, khách hàng thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định.
Lễ khai mạc chợ hoa truyền thống và các hoạt động tại không gian bích họa phố Phùng Hưng cũng là hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, gìn giữ nét đẹp văn hóa của người Hà Nội, quảng bá hình ảnh quận Hoàn Kiếm có bề dầy lịch sử, thanh lịch, văn minh đến bạn bè trong nước và quốc tế.