Ban tổ chức trao chứng nhận cho các nghệ sỹ thể hiện vở múa đương đại SeSan. |
Tại Lễ khai mạc, Ban tổ chức công diễn vở múa đương đại SeSan. Tác giả âm nhạc của tác phẩm là Nhạc sỹ Chinh Ba cùng các nhạc sỹ, nghệ sỹ đương đại quốc tế Oscar Tillman (đến từ Thụy Điển) và Yohei Yama (đến từ Nhật Bản).
Ý tưởng sáng tạo SeSan không chỉ lấy cảm hứng từ đặc trưng của nghệ thuật múa và nghệ thuật chuyển động đương đại, nhằm tôn vinh nét đẹp mạnh mẽ, nguyên sơ nhất của văn hóa Tây Nguyên, khắc họa rõ nét sự giao thoa văn hóa, cũng như gắn kết cộng đồng của các dân tộc bản địa sinh sống bao đời nay theo dòng sông Sê San, tạo ra không gian văn hóa đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc, nơi lưu giữ mạch nguồn văn hóa bản địa, góp phần mở ra cơ hội xúc tiến trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Bằng nghệ thuật múa, tác phẩm tôn vinh nét đẹp mạnh mẽ, nguyên sơ nhất của văn hóa Tây Nguyên; đồng thời khắc họa rõ nét sự giao thoa văn hóa, cũng như gắn kết cộng đồng của các dân tộc bản địa theo dòng sông Sê San.
Diễn ra từ 13 - 15/10, Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 có sự tham dự của 8 đoàn nghệ thuật với hơn 100 nghệ sỹ, là sân chơi để các nghệ sỹ múa, nhà biên đạo, huấn luyện múa có cơ hội giao lưu, gắn kết, trao đổi kinh nghiệm, tìm tòi và khai thác vốn múa truyền thống của dân tộc, nhằm tôn vinh nghệ thuật múa trong bối cảnh phát triển chung đa chiều và toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, Tuần lễ này giới thiệu, quảng bá nét văn hóa dân tộc tỉnh Kon Tum thông qua nghệ thuật múa đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Các nghệ sỹ thể hiện vở múa đương đại SeSan. |
Tiến sỹ, Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho biết, Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 gồm chuỗi ba sự kiện là Công diễn vở múa đương đại SeSan, Cuộc thi Tác phẩm múa dân tộc Việt Nam và Hội thảo khoa học “Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại”.
Các sự kiện của Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; thông qua các sự kiện nhằm đánh giá toàn diện, khách quan bức tranh nghệ thuật múa chuyên nghiệp đương thời. Từ đó, định hướng và nâng cao toàn diện chất lượng của bốn lĩnh vực sáng tác, lý luận, đào tạo và biểu diễn vì mục tiêu xây dựng và phát triển nền nghệ thuật múa Việt Nam trong thời kỳ mới.
“Thông qua Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 tại Kon Tum, Ban Tổ chức mong muốn tạo nên sự kết nối giữa nghệ thuật múa Việt Nam nói chung, nghệ thuật múa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói riêng với những dòng chảy nghệ thuật đương đại trong khu vực và quốc tế, hướng tới các quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nghệ thuật múa, vì mục tiêu xây dựng nền nghệ thuật múa Việt Nam dân tộc hiện đại, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế”, Tiến sỹ, Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Anh Phương nhấn mạnh.
Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho rằng, Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 là dịp để nghệ sĩ múa trong nước và quốc tế gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phát huy năng lực sáng tạo vì mục tiêu xây dựng nền nghệ thuật Múa Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc và hiện đại; để công chúng hiểu, yêu, trân trọng hơn về vùng đất, con người Kon Tum, Tây Nguyên và đất nước Việt Nam để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Các nghệ sỹ thể hiện vở múa đương đại SeSan. |
“Tỉnh Kon Tum mong muốn và đề nghị Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh, nghệ sĩ múa các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục quan tâm phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tại tỉnh Kon Tum và các tỉnh, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh”, bà Y Ngọc cho biết thêm.