Đại dịch hiện nay đã làm thay đổi nhiều thứ trong cuộc sống đồng thời tiết lộ sự phụ thuộc hoàn toàn của con người cả vào thiên nhiên lẫn sự liên kết toàn cầu.
“Đã đến lúc phải mạnh mẽ thay đổi. Khủng hoảng tạo ra cơ hội - cơ hội để thay đổi cách chúng ta nhìn nhận mối quan hệ của con người với thiên nhiên, con người với nhau và với Trái đất. Chúng ta biết rằng tương lai của doanh nghiệp không thể quay về sự bình thường trước đó. Và chúng ta cần một “bình thường mới” cho đa dạng sinh học. Vì lý do này, chúng tôi đang hướng tới một mục tiêu chung quan trọng: bảo tồn ít nhất 30% bề mặt Trái đất trong các khu bảo tồn, trên đất liền và trên biển”.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng việc quản lý kém đa dạng sinh học và hệ sinh thái đã làm tăng nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm từ động vật hoang dã sang con người và đó chính là nguy cơ của những trận đại dịch.
Sự phá hủy đa dạng sinh học trước hết bắt nguồn từ mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và với các sinh vật sống khác. Con người chịu trách nhiệm về 75% sự phá hủy các hệ sinh thái trên trái đất thông qua các hoạt động hàng ngày và dần dần phá hủy mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong quá trình này.
UNESCO tin tưởng rằng con người có thể sống hòa hợp với thiên nhiên.
Hiện tại, 701 khu dự trữ sinh quyển, 252 di sản thiên nhiên và 161 công viên địa chất toàn cầu của UNESCO trải trên 6% bề mặt Trái đất - một diện tích tương đương với diện tích của Trung Quốc. Chúng là minh chứng sống động về cách sử dụng bền vững và khôi phục các hệ sinh thái quan trọng ở khắp mọi nơi trên hành tinh.
UNESCO truyền cảm hứng cho sự thay đổi bằng những ví dụ cụ thể về hành động chuyển đổi thiết thực:
• Khôi phục các mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên thông qua giáo dục, khoa học, tri thức địa phương và văn hóa bản địa;
• Bảo tồn sự hài hòa của các hệ sinh thái của chúng ta - sử dụng bền vững các hệ sinh thái quan trọng bằng cách huy động kiến thức của các công dân và tổ chức;
• Khuếch đại sức mạnh của tuổi trẻ - cung cấp khả năng tiếp cận rộng rãi và cởi mở với đa dạng kiến thức, tạo khả năng và chia sẻ các giải pháp để trao quyền cho các thế hệ tiếp theo.
Những người trẻ tuổi muốn hành động để bảo vệ hành tinh và họ cần được tham gia ở tất cả các cấp, từ hành động địa phương đến việc hoạch định các mục tiêu toàn cầu về bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái của hành tinh.
Đây cũng là lý do tại sao tổ chức UNESCO đang làm việc với thanh niên khắp toàn cầu để đưa tiếng nói của họ vào quá trình phát triển khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020.
UNESCO đang sử dụng kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của mạng lưới các địa phương, đồng thời thu hút các đối tác chính với sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên để làm việc nhằm khôi phục, bảo tồn và truyền tải giá trị của đa dạng sinh học dựa trên một loạt các giá trị và nguyên tắc.