Cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm quảng cáo như trên. Thông tin về sai phạm, mức xử phạt được đăng tải công khai trên các cơ quan báo chí và trên website chính thức của Cục An toàn thực phẩm, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng trong khi cơ quan chức năng đang xử lý, người dân không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật.
Liên tục có sản phẩm được cảnh báo
Thực tế cho thấy, trên trang website của Cục An toàn thực phẩm thường xuyên phát đi những bản tin cảnh báo người dân không mua dùng sản phẩm quảng cáo trên website vì sai sự thật... mà chính công ty sản xuất sản phẩm cũng phủ nhận họ không thực hiện các quảng cáo này. Mới nhất, ngày 10/9, Cục An toàn thực phẩm thông tin trong thời gian vừa qua, trên các website: https://cuonganhauthentic.com, https://cuonganh.com, https://www.cuonganh.vn quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Slim Cường Anh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Thảo Mộc Cường Anh sai quy định của pháp luật, các nội dung quảng cáo về sản phẩm, công dụng sản phẩm không đúng theo nội dung hồ sơ công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Sản phẩm này được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch Vụ Cường Anh Authentic (địa chỉ: tầng 4, số 696, phố Quang Trung, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm phát đi thông báo cảnh báo người dân không tin dùng, mua các sản phẩm Bảo vệ sức khoẻ BOSSMEN được quảng cáo sai quy định, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng trên một số website: http://myphamthudo.com; https://magiamgiathang.com/, https://phuctuong.com.
Hay như trên website: https://tiki.vn/thuc-pham-chuc-nang-vicumax-nano-curcumin-ho-tro-dieu-tri-viem-loet-da-day-20g-hop-p8032951.html. quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vi- Cumax Nano Curcumin vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Sản phẩm này được Công ty TNHH nhà máy CURCUMIN Bắc Hà (địa chỉ: thôn Nam Đội Thân, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Những thông báo tương tự được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả trên website chính thức của Cục An toàn thực phẩm với tần suất dày đặc. Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong số hàng trăm quảng cáo sai phạm được phát hiện, mời lên làm việc, chỉ một số ít công ty thừa nhận, chịu phạt và gỡ bỏ. Còn lại đa phần “chối đây đẩy” rằng công ty không thực hiện quảng cáo sản phẩm trên website này. Việc phủ nhận nội dung quảng cáo khiến các cơ quan quản lý vất vả hơn trong việc xác định nhưng khi đã xác định sẽ phải xử lý nghiêm.
Tin quảng cáo thực phẩm chức năng quá mức, không ít người bệnh mất cơ hội điều trị
Không chỉ quảng cáo quá công dụng sản phẩm, sai sự thật về sản phẩm trên mạng xã hội, trang mạng, nhiều công ty còn “tấn công” người tiêu dùng bằng cách trực tiếp gọi điện tư vấn sản phẩm. PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong chia sẻ, ông từng nhận được cuộc điện thoại tư vấn giảm cân của nhân viên tự giới thiệu “Trung tâm giảm cân bà Dung tại Hà Nội” - vốn là một sản phẩm đã bị Bộ Y tế thu hồi giấy phép lưu hành.
Hay như với giảm cân bà Vần được quảng cáo ầm ĩ, gây sốt trên mạng xã hội, với nhiều người tin dùng do có nguồn gốc tự nhiên và “đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm” như lời chủ cơ sở quảng cáo, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Sở Y tế Lai Châu xác minh và được trả lời trên địa bàn, tại địa chỉ đăng ký kinh doanh trên sản phẩm không có lương y nào tên là “bà Vần” với sản phẩm giảm cân trên.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho hay, việc quảng cáo “thổi phồng” tác dụng của sản phẩm rất nguy hiểm, không chỉ làm người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh. Thực trạng tư vấn viên, người tư vấn giả làm bác sĩ, dược sĩ rất phổ biến. Trong khi bản thân họ không có kiến thức về y tế, thậm chí còn dọa dẫm về tình trạng bệnh tật, nói quá lên về mức độ nguy hiểm để gợi ý người tiêu dùng mua sản phẩm.
“Trong khi đó, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, thực phẩm chức năng nên tuyệt đối không được ghi là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người. Quảng cáo quá mức khiến người tiêu dùng tin theo, lúc họ mắc bệnh, thay vì đến bệnh viện, họ lại tin vào quảng cáo dùng sản phẩm đó để chữa bệnh. Hậu quả bệnh sẽ nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh, thậm chí với một số bệnh như ung thư sẽ mất đi “cơ hội vàng”, khi bệnh đã bước sang giai đoạn muộn”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong cảnh báo.