Dù các hoạt động trên toàn cầu dần trở lại sau đại dịch, tiến độ phục hồi dịch vụ bay công tác về mức như năm 2019 (trước khi đại dịch bùng phát) vẫn còn chậm vì nhiều khách hàng doanh nghiệp lựa chọn giải quyết công việc bằng hình thức hội nghị trực tuyến hoặc đi công tác bằng tàu hỏa. Theo kết quả nghiên cứu của Travel Smart Emissions Tracker, các công ty lớn như công ty công nghệ SAP, công ty kiểm toán PwC hay tập đoàn ngân hàng Lloyds đều đã giảm hơn 75% lượng khí thải từ việc đi lại bằng đường hàng không so với năm 2019. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra có 21 công ty tăng hoạt động đi lại bằng đường hàng không so với trước đại dịch.
Tháng 9/2023, cuộc khảo sát chung của American Express Global Business Travel (Amex GBT) và Harvard Business Review công bố cho thấy 84% doanh nghiệp tin rằng các chuyến đi công tác trực tiếp giải quyết công việc vẫn mang lại giá trị kinh doanh hữu hình. Theo Airlines for America, dịch vụ bay công tác phục vụ cho các doanh nghiệp đã tạo ra 50% doanh thu hành khách cho các hãng hàng không Mỹ trước đại dịch. Điều này đã giúp các hãng bán vé hạng sang có lợi nhuận cao và kín chỗ các chuyến bay trong tuần. Ở châu Âu, các hãng hàng không đã thay đổi chiến lược, cố gắng bù đắp sự sụt giảm khách hàng doanh nhân bằng cách bán các vé hạng sang nhiều hơn cho khách hàng thông thường.
Trong khi các doanh nghiệp du lịch toàn cầu lo ngại xu hướng này sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ của công ty thì các nhà bảo vệ môi trường coi đây là bước quan trọng trong việc giảm thiểu lượng khí thải tổng thể. Trong đó, nhóm vận động Vận tải và môi trường nêu rõ cần phải giảm 50% lượng hành khách đi công tác so với mức trước đại dịch COVID-19 trong thập kỷ này để kiềm chế mức độ ấm lên toàn cầu không quá 1,5 độ C trong thế kỷ này.