Báo cáo tài chính của Evergrande cho thấy công ty đã ghi nhận các khoản lỗ lần lượt là 476 tỷ nhân dân tệ (66 tỷ USD) trong năm 2021 và 106 tỷ nhân dân tệ (15 tỷ USD) trong năm 2022. Tổng lỗ ròng trong hai năm qua của tập đoàn này lên tới 582 tỷ nhân dân tệ (81 tỷ USD).
Đây là lần đầu tiên Evergrande công bố báo cáo tài chính kể từ năm 2021, việc trì hoãn cung cấp thông tin đã khiến cổ phiếu của công ty bị đình chỉ giao dịch kể từ tháng 3 năm 2022.
Để tránh bị hủy niêm yết, Evergrande phải báo cáo kết quả chậm nhất vào ngày 20/9, bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu khác do sàn chứng khoán quy định.
Báo cáo cũng tiết lộ rằng tổng số nợ của Evergrande đã lên tới 2,437 nghìn tỷ nhân dân tệ (340 tỷ USD) vào cuối năm ngoái. Khoản nợ này tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc.
Trong khi đó, tổng tài sản của Evergrande chỉ được định giá 1,838 nghìn tỷ nhân dân tệ (256 tỷ USD), có nghĩa là công ty có thể mất khả năng thanh toán.
Số lượng nhân viên của công ty đã giảm 17% xuống còn 102.910 nhân sự vào cuối năm ngoái so với hai năm trước.
Evergrande đã tiến hành tái cơ cấu nợ kể từ cuối năm 2021, theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc.
Vào tháng 3, công ty đã công bố kế hoạch tái cấu trúc trị giá hàng tỷ đô la với các chủ nợ quốc tế. Nhưng Evergrande cần được "rót" thêm 36 tỷ đến 44 tỷ USD để tiếp tục vận hành và triển khai các dự án bất động sản.
Được thành lập bởi doanh nhân Hứa Gia Ấn vào năm 1996, Evergrande là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc tính theo doanh số bán hàng vào năm 2020.
Trước khi lâm vào khủng hoảng nợ nần vào hai năm trước, Evergrande có hơn 200.000 nhân viên, thu về hơn 110 tỷ USD doanh thu hàng năm và sở hữu hơn 1.300 khu bất động sản ở hàng trăm thành phố.
Vào tháng 9 năm 2021, tình trạng khan hiếm tiền mặt của công ty trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh chính phủ siết chặt việc vay mượn quá mức trong ngành bất động sản.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc muốn hạn chế rủi ro nợ trong nền kinh tế và kiềm chế giá bất động sản tăng vọt.
Nhưng vấn đề tiền mặt của Evergrande sớm trở thành một cuộc khủng hoảng gây ra tình trạng hạ cấp tín dụng và vỡ nợ, gây ra những làn sóng chấn động khắp nền kinh tế và thị trường toàn cầu.
Khi công ty mấp mé bên bờ vực sụp đổ, chính phủ Trung Quốc buộc phải can thiệp và ra lệnh tái cơ cấu nợ nhằm ngăn chặn sự sụp đổ có thể tàn phá nền kinh tế và gây ra tình trạng bất ổn xã hội.
Sức khỏe tài chính của Evergrande là mối quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu, vì công ty này nợ hàng chục tỷ USD.
Trong nhiều năm, bất động sản là trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Lĩnh vực này và các ngành liên quan chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc, sử dụng hàng chục triệu lao động và đóng góp một phần doanh thu đáng kể cho chính quyền địa phương.