Trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết sự hợp tác ngày càng sâu sắc giữa hai nước trong lĩnh vực an ninh và kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho người dân hai nước và có thể đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng toàn cầu.
Ông Yoon khẳng định hai nước đã không thực hiện các chuyến thăm song phương chính thức trong 12 năm, nhưng sau chuyến đi của ông tới Tokyo vào tháng 3, đã có tới hai hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong chưa đầy hai tháng. Tổng thống Yoon cho rằng đây là động thái chứng tỏ "một khởi đầu mới cho mối quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản."
"Thật khó để tạo động lực đầu tiên cho sự thay đổi tích cực, nhưng một khi được thiết lập, nó sẽ trở thành xu hướng. Có vẻ như quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản giờ đây có thể phát triển như thế này", ông Yoon nói.
Tổng thống Hàn Quốc đã khởi xướng xu thế hòa hoãn với Nhật Bản vào tháng 3 khi ông công bố kế hoạch bồi thường cho những người dân Hàn Quốc bị buộc phải làm việc cho các công ty Nhật Bản trong Thế chiến II. Trong những năm gần đây, những người lao động cũ và con cháu của họ đã đệ đơn kiện đòi bồi thường.
Theo kế hoạch của ông Yoon, các công ty tư nhân sẽ quyên góp cho một quỹ để thanh toán cho các nạn nhân bị ép lao động khổ sai. Trước khi Thủ tướng Nhật Bản Kishida đến Seoul, truyền thông hai nước đưa tin rằng ít nhất một cựu công nhân đã bày tỏ sự sẵn sàng chấp nhận bồi thường theo kế hoạch.
“Chúng ta không thể để những vấn đề lịch sử ngăn cản chúng ta tiến lên phía trước", ông Yoon tuyên bố.
Truyền thông và công chúng Hàn Quốc đã háo hức chờ đợi nhận xét của Thủ tướng Nhật Bản về các vấn đề lịch sử. Tại cuộc họp báo chung, ông Kishida nói rằng chính phủ của ông đã tiếp nhận quan điểm của các chính quyền Nhật Bản trước đây về vấn đề lịch sử.
"Tôi cảm động khi thấy các bạn đã mở lòng hướng tới tương lai cùng nhau mà không quên những ký ức đau buồn trong quá khứ", Thủ tướng Nhật Bản nói.
Khi Tổng thống Hàn Quốc đến Tokyo vào tháng 3, hai nhà lãnh đạo đã công bố kế hoạch nối lại việc chia sẻ thông tin tình báo quân sự và khôi phục vị thế đối tác thương mại tương xứng với mối quan hệ song phương.
Ông Kishida cho biết hôm Chủ nhật rằng "tình hình quốc tế xung quanh chúng ta cũng khiến sự hợp tác giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là không thể thiếu."
Kể từ hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 3, các quan chức an ninh và thương mại của hai bên đã tổ chức các cuộc họp để thảo luận các kế hoạch thúc đẩy hợp tác. Ông Choo Kyung-ho, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc, chỉ ra rằng năng lượng là một lĩnh vực mà các nước láng giềng có thể hợp tác vì lợi ích chung.
“Nhật Bản và Hàn Quốc nằm trong số những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt hóa lỏng trên thế giới”, ông Choo nói. "Chúng tôi mong muốn mở rộng hợp tác thông qua đàm phán giá và mua chung, đồng thời cùng nhau ứng phó với tình trạng cung cầu không ổn định".
Ông Kishida cũng đồng ý cho phép một phái đoàn chuyên gia hạt nhân Hàn Quốc đến thăm nhà máy ở Fukushima, nơi từng hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Ông Yoon trước đó đã kêu gọi Nhật Bản tiến hành phân tích khoa học trước khi xả nước phóng xạ đã qua xử lý ra biển từ lò phản ứng bị tê liệt.
Tổng thống Yoon đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã khởi xướng mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản, các cuộc thăm dò dư luận đã chỉ ra rằng đa số người Hàn Quốc phản đối nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương. Phe đối lập thiên tả cho rằng chính phủ Nhật Bản phải đưa ra lời xin lỗi mới về thời kỳ cai trị bán đảo Triều Tiên (1910-1945) trước khi tăng cường hợp tác kinh tế hoặc quân sự.
Mức độ tín nhiệm của ông Yoon đã giảm vào tháng 3 sau một loạt các hoạt động "làm ấm" quan hệ với Nhật Bản, nhưng đã tăng từ 32,6% lên 34,5% vào cuối tháng 4 sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington.
Chính phủ Mỹ đã hoan nghênh việc nối lại quan hệ gần đây giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Phía Washington đã liên tục tuyên bố rằng hai nước nên hợp tác để đối phó với những thách thức ngày càng tăng do Trung Quốc và Triều Tiên đặt ra.