Nhập mô tả ảnhAdrian Anh Tuấn và Sơn Đoàn là một trong những cặp đôi đồng tính nam nổi tiếng nhất tại Việt Nam (Nguồn Internet) |
1. Gay phải "thuần top" hoặc "thuần bot"
"Top" hay "bottom" là những từ lóng của cộng đồng gay nhằm miêu tả vị trí ưa thích trong lúc quan hệ tình dục. "Top" có nghĩa là chủ động, thường được so sánh như người đàn ông trong quan hệ tình dục dị tính. Còn "bottom" thì ngược lại.
Ảnh minh họa |
Trong rất nhiều trường hợp, điều đầu tiên mà một chàng gay tìm hiểu về đối phương mà mình để ý chính là người đó là "top" hay "bottom" để tránh bị lệch pha. Trường hợp xấu nhất sẽ là hai chàng "bottom" phải lòng nhau. Đây là "điều cấm kỵ" theo quan điểm của nhiều người.
Bên cạnh "top" và "bottom" còn có "versatile", tức là những người linh hoạt trong mọi tư thế. Đáng tiếc, đối tượng này thường bị đánh đồng là "bottom" và không được đánh giá cao trong giới.
Đề cao "top" và xem thường "bottom" là một định kiến khá phổ biến trong bất kỳ cộng đồng gay nào. Tới nỗi, trên kênh Youtube còn có hẳn một MV hài mang tên Boy is a Bottom, dựa trên ca khúc Girl on Fire của Alicia Keys, với sự tham gia của nhiều drag queen nổi tiếng và thu hút gần 23 triệu lượt xem. Trong đó, một thanh niên đồng tính bị chế giễu chỉ vì là "bottom".
Nhiều người trong chính cộng đồng gay đã lên tiếng chỉ trích định kiến này. Họ cho rằng cộng đồng LGBT đang cố gắng xóa bỏ những rào cản nhưng lại đặt mình vào các khuôn mẫu cứng ngắc. Theo đó, tư thế quan hệ tình dục không nên là một cái nhãn để đem ra đánh giá mà chỉ nên là sự đồng thuận mang tính riêng tư giữa hai người miễn là họ cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, tình hình có vẻ sẽ không thể thay đổi trong một sớm một chiều.
2. "Nam tính" là trên hết
Gay tôn thờ sự nam tính. Theo một cuộc khảo sát của tạp chí Attitude (Anh) vào năm 2017, 71% các chàng gay tham gia cho biết họ sẵn sàng từ chối đối phương mà mình đang tìm hiểu nếu như phát hiện người đó có biểu hiện nữ tính. Chỉ có 29% còn lại là xem nhẹ yếu tố này.
Ảnh minh họa |
Kết quả này phần nào phản ánh khá chính xác những gì đang diễn ra trong cộng đồng gay Việt. Cụ thể, những chàng gay nam tính luôn được săn đón. Ngược lại, những chàng gay có biểu hiện nữ tính (nhưng không phải là người chuyển giới) thì lại bị xem thường.
Câu hỏi được đặt ra là: Liệu đây là một sở thích mang tính đặc thù hay là một định kiến cần phải loại bỏ?
Trong cùng khảo sát của tạp chí Attitude, khi được hỏi "Bạn có nghĩ rằng biểu hiện nữ tính sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng gay hay không?" thì có đến 41% người tham gia trả lời là "Có". Điều này chứng tỏ nỗi ám ảnh về sự nam tính của giới gay đã lên đến mức đáng báo động.
Ảnh minh họa |
Matt Cain, tổng biên tập của tạp chí Attitude, đã viết: "Trong phần lớn cuộc đời, tôi luôn cho rằng mình 'kém đàn ông' đi chỉ vì là gay. Và bất kỳ biểu hiện nữ tính nào để lộ ra ngoài cũng đều khiến cho tôi đánh mất đi giá trị của bản thân trong xã hội. Tôi biết rất nhiều người đồng tính cũng có cùng cảm giác như vậy".
Nhiều nhà vận động quyền LGBT cho rằng "nam tính" hay "nữ tính" không nên là tiêu chuẩn để đem ra đánh giá rồi từ đó dẫn đến sự kỳ thị. Nếu như một người tự nhận mình là nam thì họ chính là nam bất chấp thể hiện giới bên ngoài có như thế nào chăng nữa.
3. Nỗi ám ảnh hình thể
Chỉ cần gõ từ khóa "gay" trên phần "Hình ảnh" của Google bạn sẽ nhìn thấy 90% kết quả là những chàng trai sở hữu thân hình sáu múi, cơ bắp cuồn cuộn hay gương mặt đẹp không tì vết. Đây là hệ quả từ việc truyền thông đại chúng đã xây dựng hình ảnh của gay trong suốt mấy thập kỷ qua nhưng lại không hề quan tâm đến yếu tố khắc họa thực tế.
Ảnh minh họa |
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2017, những nhóm người hài lòng với cơ thể của mình nhất đứng đầu là nam dị tính, tiếp theo là phụ nữ đồng tính, rồi phụ nữ dị tính và cuối cùng mới đến nam đồng tính.
Nhóm thực hiện khảo sát cho rằng ngay từ ban đầu giới gay đã thường tụ tập tại những tụ điểm xem trọng ngoại hình như quán bar, sàn nhảy hay phòng gym… để tiện liên lạc với nhau. Cộng thêm sự tiếp tay từ truyền thông và phim ảnh, giới gay ngày càng bị ám ảnh bởi vẻ đẹp hình thể. Họ lao đầu vào phòng gym hay các thẩm mỹ viện để có được cơ thể đẹp như những người mẫu ảnh hay thậm chí là các ngôi sao phim khiêu dâm.
Ngược lại, những ai có ngoại hình không đẹp thường cảm thấy tự ti và bị “lép vé” khi xuất hiện chung với nhiều chàng gay khác. Thậm chí, trong giới còn xuất hiện một kiểu chọc ghẹo mang tính định kiến là “xấu thì đừng là gay vì như vậy tội lắm”.
Ảnh minh họa |
Theo một bài viết được đăng tải trên website của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) vào năm 2016, kết quả từ 5 cuộc khảo sát độc lập cho thấy 20% người đồng tính nam cảm thấy tự ti về cơ thể của mình đến mức từ chối luôn cả chuyện quan hệ tình dục. Con số này ở nam dị tính là 5%.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, tình trạng này của giới gay sẽ dễ dẫn đến những bệnh lý tâm thần nhẹ như rối loạn ăn uống hay thực hành các bài tập giảm cân gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Chưa hết, nó còn tạo ra sự kỳ thị ngoài mong muốn đối với những cá nhân có vẻ ngoài “lệch chuẩn”.
4. Sử dụng Jack'D hay Grindr là lăng nhăng
Jack’D và Grindr là 2 cái tên nổi tiếng nhất trong số những ứng dụng hẹn hò dành cho giới gay hiện nay. Mặc dù mục đích ban đầu chỉ đơn thuần là giúp các chàng gay có thể dễ dàng tìm kiếm nhau thế nhưng hiện nay những ứng dụng này thường bị gán ghép cho cái danh là “nơi trụy lạc của những kẻ đam mê tình dục”, “lan truyền HIV” và “nguy hiểm do thông tin cá nhân không được kiểm chứng”.
Ảnh minh họa |
Trên thực tế, nhận định này không phải là hoàn toàn vô lý. Những tấm ảnh đại diện mà người dùng của các ứng dụng như Jack’D, Grindr đăng tải hầu hết đều khoe cơ thể kèm theo những thông tin thể hiện rõ mình là “top”, “bottom” hay “versatile”. Tuy nhiên, mọi thông tin ấy có thể hoàn toàn là giả mạo nếu như người sử dụng muốn như thế.
Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, một người đồng tính nam tên K. (28 tuổi) hiện đang sinh sống tại TP. HCM, cho biết: “Bây giờ hầu như ai cũng sử dụng facebook. Có rất nhiều fan-page hay nhóm dành riêng cho gay. Sự thật là rất dễ để gay tìm kiếm một người giống mình trên facebook, hà cớ gì phải sử dụng đến Jack’ D hay Grindr? Tôi có khá nhiều bạn bè sử dụng những ứng dụng đó. Và hầu hết đều có chung một mục đích: Kiếm người quan hệ tình dục. Chấm hết. Tôi từng kết thúc chuyện tìm hiểu một anh chàng sau khi phát hiện ra iPhone của người ấy có đủ từ Jack’D, Grindr, Hornet cho đến Blued. Nói tôi cổ hũ cũng được nhưng tôi không thể tin tưởng một người mà ngày nào cũng chực chờ trên những nơi như thế”.
Ảnh minh họa |
Mặc dù vậy, nhiều người đã phản bác lại rằng việc tìm kiếm tình dục ở một người trưởng thành là hoàn toàn bình thường và họ không nên bị phán xét bởi điều đó. Hay nói theo cách khác, không phải bất kỳ ai chủ động tìm kiếm bạn tình cũng là “người xấu” và “không chung thủy” trong tình yêu.
5. Không tồn tại "tình yêu thật sự" trong giới gay
Nỗi ám ảnh về hình thể còn mang đến một hệ quả tiêu cực khác. Đó chính là quan niệm gay đến với nhau chỉ vì ngoại hình mà cụ thể là tình dục chứ không có tình yêu.
Thậm chí, ngay cả những người tin vào sự tồn tại của tình yêu cũng không dám bảo đảm rằng họ sẽ có một cuộc sống tình cảm lâu dài như các đôi trai gái khác.
Ảnh minh họa |
Giải thích cho quan điểm này, nhiều người cho rằng đó là do Việt Nam hiện nay vẫn chưa hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Các đôi đồng tính không có những quyền lợi về mặt pháp lí giúp cho họ cảm thấy an tâm khi tạo dựng một gia đình. Bên cạnh đó, việc không có con cũng là một rào cản lớn.
Suy cho cùng, người đồng tính Việt vẫn còn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi mô hình gia đình theo chuẩn Á đông truyền thống.
Mai Thảo
Theo Một Thế Giới