Những cuộc vui thâu đêm
Mới đây, UBND phường Lý Thái Tổ đã gửi văn bản đề nghị quận Hoàn Kiếm ngừng cấp phép kinh doanh các dịch vụ đến 2 giờ để đảm bảo an ninh trật tự khu vực. Theo đại diện phường, nhìn chung mô hình kinh doanh dịch vụ đến 2h sáng của trên địa bàn phố cổ là không phù hợp. Một là kinh doanh quá muộn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của các hộ dân xung quanh. Hai, các hộ kinh doanh không thực hiện nghiêm túc việc kinh doanh theo giấy phép, mà còn vi phạm như kinh doanh shisha, bóng cười… gây mất an ninh trật tự khu vực.
Trước đó, cách đây 2 năm, để thu hút du khách, đặc biệt là người nước ngoài đến Hà Nội, từ tháng 9/2016, quận Hoàn Kiếm cho phép các nhà hàng, quán bar hoạt động đến 2h sáng. Đây là hoạt động thí điểm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm vào 3 ngày cuối tuần.
Trong 2 năm qua, có khoảng gần 60 cơ sở được cấp phép kinh doanh. Trong đó, 28 nhà hàng sử dụng âm nhạc, 17 cơ sở kinh doanh karaoke, còn lại là hơn chục cơ sở ẩm thực, kinh doanh ăn uống… Tuy số lượng quán được phép hoạt động đến 2 giờ sáng chẳng thấm gì so với số lượng nhà hàng, quán bar dày đặc ở phố cổ, nhưng nó cũng ít nhiều ảnh hưởng đến nhịp sống của người dân Thủ đô sống gần phố Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến...
“Khách lúc nào cũng đông đúc, ra vào nhộn nhịp, tiếng đàn hát, tiếng cười nói rộn một góc phố nên tôi khó ngủ. Hai năm qua, kể từ khi việc tổ chức thí điểm các cơ sở kinh doanh dịch vụ được cấp phép đến 2 giờ sáng, tôi thường xuyên ngủ muộn, cứ phải chờ qua 2-3 giờ sáng, khi hoạt động ở các nhà hàng “lắng” lại, tôi mới chợp mắt được chút. Nhóm tập dưỡng sinh của tôi có nhiều người mất ngủ kinh niên vì không thể quen được với nhịp sống về đêm ở phố cổ” - bà Kim Hạnh, một người dân trên phố Tạ Hiện cho biết.
Cách đây chừng một tháng, nhiều hộ dân sinh sống quanh khu vực vũ trường Camellia Lounge (20 Hàng Tre) đã gửi đơn kêu cứu gửi các cơ quan chính quyền vì quán bar này ngang nhiên hoạt động thâu đêm suốt sáng, bất chấp quy định thành phố chỉ cho phép mở cửa đến 2 giờ từ thứ 6 đến Chủ nhật.
Sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử tại phố đi bộ
Không thể phủ nhận, việc cho phép thí điểm kinh doanh đến 2h sáng đã giúp khu vực phố cổ thúc đẩy kinh doanh, đặc biệt là về phát triển du lịch. Thực tế, sức hấp dẫn về đêm đã kéo du khách ở lại lưu trú lâu hơn, từ khách sạn, nhà hàng, dịch vụ taxi, xích lô đến cửa hàng tiện ích đều được hưởng lợi.
Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND Hà Nội diễn ra từ 4-6/12/2018, cử tri Nguyễn Chính phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thẳng thắn cho rằng: Phố đi bộ quanh khu vực hồ Gươm đưa vào hoạt động 2 năm nay thu hút đông du khách và làm tăng nhu cầu dịch vụ, qua đó phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển phố đi bộ trong không gian hẹp đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp như xuất hiện nhiều điểm trông giữ xe tự phát, dịch vụ “chặt chém”, bán hàng rong, hát dạo xin tiền, dắt chó không rọ mõm… “Một trong những nguyên nhân là chưa có Bộ quy tắc ứng xử tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm để phổ biến cho du khách đến đây phải tuân theo; hoặc để có căn cứ áp dụng xử phạt khi có vi phạm. Do đó, tình trạng vi phạm tái diễn nhiều lần nhưng lực lượng chức năng chỉ có thể nhắc nhở”.
Ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND thành phố trả lời, không gian đi bộ và vùng phụ cận quanh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm khi triển khai thí điểm đã làm tốt một số mặt, tạo không gian vui chơi cho người dân. Thành phố cũng đã phối hợp với một số đại sứ quán, tỉnh, thành tổ chức thành công các sự kiện trên không gian phố đi bộ. Đồng thời, thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức hoạt động giới thiệu tới du khách các sản phẩm làng nghề của Hà Nội, không gian văn hóa đường phố... Tuy nhiên, thực tế cũng còn nhiều mặt hạn chế như cử tri phản ánh. “UBND thành phố đã giao quận Hoàn Kiếm chủ trì phối hợp với các sở ban ngành, lấy ý kiến người dân và chuyên gia. Dự kiến bộ quy tắc ứng xử tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ ban hành vào quý I/2019” - ông Nguyễn Đức Chung cho biết.
Kéo dài thời gian phục vụ du khách, nhất là mở cửa về đêm là điều mà nhiều địa phương, quốc gia khác đã làm khi muốn phát triển du lịch, bởi với du khách quốc tế, các hoạt động vui chơi giải trí về đêm là rất cần thiết. Theo đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, muốn hút khách du lịch, việc mở cửa giờ giới nghiêm là chính đáng, nhưng TP cần phải áp dụng các quy định chung để không làm ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, nhất là điều kiện cách âm đối với các quán bar, nhà hàng sử dụng âm thanh mạnh. Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự về đêm phải được quan tâm hơn nữa, chính quyền địa phương cần phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý thay vì cấm đoán, làm mất cơ hội khám phá Hà Nội về đêm của cả du khách ngoại tỉnh và nước ngoài.
Không thể phủ nhận, việc cho phép thí điểm kinh doanh đến 2h sáng đã giúp khu vực phố cổ thúc đẩy kinh doanh, đặc biệt là về phát triển du lịch. Thực tế, sức hấp dẫn về đêm đã kéo du khách ở lại lưu trú lâu hơn, từ khách sạn, nhà hàng, dịch vụ taxi, xích lô đến cửa hàng tiện ích đều được hưởng lợi.