Theo Cục Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ (FWS), một đợt bùng phát bệnh ngộ độc do vi khuẩn gây liệt cơ đã giết chết hơn 94.000 con chim tại Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia hồ Tule. Những con chim bị mắc bệnh thường không thể kiểm soát cơ bắp và chết ngạt trong nước.
Mặc dù là quy mô địa phương nhưng đợt bùng phát và những cái chết thảm khốc này đều liên quan đến các vấn đề toàn cầu như sự thu hẹp đầm lầy, nguồn nước hạn chế, sự chuyển hướng thủy văn và khí hậu ấm lên.
Theo Andrew Farnsworth, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Điểu học Cornell, cho biết những loại bùng phát như trên có thể xảy ra trên toàn thế giới và có xu hướng gia tăng do biến đổi khí hậu với hàng loạt các dấu hiệu như khí hậu ấm lên, hạn hán, sau đó là khô hạn nối tiếp những trận mưa dữ dội...
Bệnh dịch này được gây ra bởi một loại độc tố do vi khuẩn Clostridium botulinum sinh ra, phát triển mạnh trong điều kiện nước ấm, tù đọng và ít nước. Ngoài ra, dịch bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến con người dù chưa có trường hợp nào được ghi nhận. Các đợt bùng phát khác đã được báo cáo trên toàn thế giới, nhưng số lượng chim chết ít hơn. Một đợt bùng phát vào năm 2020 do điều kiện tương tự đã giết chết khoảng 60.000 con chim tại hồ Tule.
Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images |
Hồ Tule là một hồ nước cổ xưa, dù có sự thay đổi mực nước qua hàng năm nhưng luôn tồn tại. Trước đây, hồ và các vùng đầm lầy lân cận sẽ được lấp đầy qua các đợt mưa mùa đông nhưng giờ đây, nguồn nước hầu như chỉ đến từ các kênh thủy lợi.
Năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử, hồ đã hoàn toàn cạn kiệt. Tháng 10/2023, các khu vực thoát nước địa phương và Cục tái tạo của chính phủ Mỹ đã xả nước vào hồ. Tuy nhiên vào mùa hè vừa qua, mức nước lại giảm và dịch cúm gia cầm đã giết chết hàng trăm con chim, sau đó đợt bùng phát bệnh ngộ độc xảy ra.
Để đáp ứng với sự phản đối từ các nhóm vận động, Cục đã cung cấp hơn 6 triệu mét khối nước cho hồ, làm chậm lại đợt bùng phát nhưng thực tế nước không được cung cấp thêm vào hồ và đến cuối tháng 8, hơn 1.000 con chim đã chết mỗi ngày. Số lượng này cũng lặp lại vào tháng 9 và tháng 10, lượng chim chết gần như vượt quá 100.000. Các nhà khoa học hy vọng đợt bùng phát sẽ chấm dứt khi thời tiết lạnh băng giá quay trở lại vào tầm cuối tháng 10.
John Vradenburg, nhà sinh vật học giám sát tại Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia lưu vực Klamath, cho biết “Mặc dù dịch ngộ độc xảy ra tự nhiên nhưng quy mô của đợt lại đáng lo ngại, các vùng đầm lầy đang suy giảm trên khắp Tây Mỹ do thay đổi khí hậu, biến đổi chức năng hệ sinh thái và nguồn nước khan hiếm.”
Hồ Tule và các vùng nước lân cận đóng vai trò quan trọng như một điểm dừng chân cho hàng triệu con chim trong chặng đường di cư tới thái bình dương mỗi năm. Tuy nhiên, theo thông tin từ Ducks Unlimited, số lượng chim di cư trên đoạn đường này ở California đã giảm 25% so với năm 2023 và giảm 30% so với mức trung bình lịch sử gần đây.
Nhiều loài chim di cư sống ở vùng nước và bờ biển đã chết, bao gồm các loài như vịt thìa phương Bắc, vịt nhọn đuôi, vịt trời Mỹ. Vịt cổ xanh, vịt cánh trắng, chim sâm cầm, chim choắt nhỏ và các loài chim lội nước như chim mỏ cứng, chim cà kheo cổ đen và choắt mỏ dài cũng đã bị ảnh hưởng.
Các nhà cứu hộ động vật hoang dã Marie Travers và January Bill đã điều trị cho khoảng 1.500 con chim bị ảnh hưởng tại bệnh viện dã chiến dành cho chim và thả thành công hơn 900 con. Mặc dù không có thuốc chữa cho độc tố ngộ độc đó, nhưng với sự chăm sóc hỗ trợ và môi trường ít căng thẳng, phần lớn các loài chim có thể hồi phục sau khoảng một tuần.