TS Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Điều trị người già, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trường hợp có biểu hiện bệnh như mẹ chị Đào là bị sa sút trí tuệ. Bệnh nhân sa sút trí tuệ ngoài các triệu chứng về suy giảm chức năng nhận thức thường đi kèm với rối loạn cảm xúc, hành vi, loạn thần. “Điều này gây áp lực rất lớn cho gia đình người bệnh, đặc biệt là người trực tiếp chăm sóc. Hậu quả khiến không ít người đã rơi vào trạng thái trầm cảm” - TS Hà An chia sẻ.
Bản thân TS Hà An đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp chính gia đình người bệnh rơi vào trầm cảm, căng thẳng, mệt mỏi vì có người thân mắc bệnh sa sút trí tuệ. Đa phần người nhà bệnh nhân đều rơi vào khủng hoảng vì bố mẹ không chỉ suy giảm trí nhớ ở mức bình thường mà còn trở nên mất kiểm soát khi nửa đêm khóc lóc, la hét, nghĩ rằng lúc nào cũng có người muốn làm hại mình khiến cả gia đình trở nên xáo trộn.
Cùng mẹ đưa bà đến sinh hoạt Câu lạc bộ bệnh nhân sa sút trí tuệ, Viện Sức khoẻ tâm thần, cháu Mai (con chị Đào) chia sẻ: Từ ngày bệnh của bà trở nặng, gia đình lúc nào cũng căng thẳng. Có lúc bà khóc, mắng nhiếc cả nhà, đổ cho mọi người ăn cắp đồ của bà. Mẹ cháu năm ngoái phải vào viện vì quá stress. Nếu trước đây gia đình em được tiếp cận thông tin về bệnh từ sớm chắc bà em giờ không đến nỗi thế này”.
TS Hà An cho biết, bệnh sa sút trí tuệ là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi, tuy nhiên không phải người già nào cũng sa sút trí tuệ. Việc nhận ra những triệu chứng ban đầu của sa sút trí tuệ để có sự can thiệp, kiểm soát, điều trị kịp thời rất quan trọng. “Đó chính là giai đoạn vàng của việc can thiệp điều trị. Người bệnh được phát hiện, can thiệp điều trị trong giai đoạn này sẽ có kết quả rất tích cực, ngược lại nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn Alzheimer thì hiệu quả can thiệp rất hạn chế”.
Vì vậy, điều quan trọng là gia đình, người thân cần chú ý đến những biểu hiện của chứng sa sút trí tuệ ở người già để can thiệp kịp thời. Đó là những biểu hiện như: Suy giảm trí nhớ ngắn hạn (quên tên người hàng xóm nhưng vẫn nhận biết được họ là hàng xóm của mình); khó thực hiện các nhiệm vụ quen thuộc; gặp vấn đề với ngôn ngữ hay suy giảm khả năng phán đoán; đặt nhầm vị trí của đồ đạc; gặp khó khăn trong theo dõi công việc hoặc cuộc trò chuyện…
Việc sử dụng thuốc điều trị các triệu chứng suy giảm trí nhớ cùng các triệu chứng không thuộc nhận thức như: Trầm cảm, loạn thần, kích động, rối loạn giấc ngủ... cần theo chỉ định của bác sĩ và có sự giám sát, theo dõi.