Giám sát từng ngõ nhỏ phố nhỏ
Dự báo kinh tế xã hội của thành phố sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh, Chủ tịch TP Hà Nội nhấn mạnh, các cấp, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã cần hết sức cố gắng, nỗ lực quản lý, điều hành, coi công tác phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, bám sát, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo nội dung chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, UBND TP, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.
Thành phố giao Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo triển khai đồng bộ công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP trong giai đoạn-giai đoạn phức tạp và khó khăn hơn các giai đoạn trước. Các diễn biến mới của dịch bệnh cần xử lý bình tĩnh, kiên quyết với các biện pháp phù hợp.
Phương châm hành động là Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn khi nhận thông tin yêu cầu xác minh từ các phường, xã khác thì tự động tiếp nhận, triển khai kịp thời, không báo cáo cấp quận, huyện xong mới thực hiện hoặc các quận, huyện, thị xã tiếp nhận thông tin từ các quận, huyện, thị xã khác thì chỉ đạo triển khai ngay, không cần báo cáo về sở mới thực hiện.
Đây cũng là nội dung mà Công điện số 1196/CĐ-BYT về việc tiếp tục khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế gửi TP Hà Nội, đồng thời gửi TP HCM và Quảng Nam. Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia, phát huy trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương, chính quyền cơ sở, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, khẩn trương, tăng tốc hơn nữa việc thực hiện truy vết các trường hợp đi về từ thành phố Đà Nẵng (từ ngày 1/7 đến 28/7) và các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế. Đối với các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành ngay việc cách ly y tế phù hợp theo quy định, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe.
Trong tình hình hiện nay, TP Hà Nội đề nghị các quận, huyện kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế, theo dõi tình hình sức khỏe và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm; tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại từng khu phố, từng hộ gia đình, thành lập các tổ phòng, chống dịch dựa vào cộng đồng; phối hợp với các lực lượng công an, y tế thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” với tất cả các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Hoạt động tư nhân đủ sức xét nghiệm
Sau khi Bộ Y tế ban hành công văn khẩn số 4109/BYT-DP gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện xét nghiệm COVID-19. Bộ Y tế đề nghị Hà Nội cũng như các địa phương mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm, huy động các cơ sở y tế có khả năng thực hiện xét nghiệm, bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân để triển khai xét nghiệm trên diện rộng, thực hiện việc thanh toán bảo hiểm y tế cho xét nghiệm COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Mặt khác, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị bảo đảm cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh; triển khai áp dụng các quy trình, phân luồng, phân tuyến tránh lây lan trong các cơ sở y tế, thực hiện điều trị hiệu quả và tăng cường phối hợp, trao đổi chuyên môn kỹ thuật giữa các tuyến trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo đó, trên địa bàn Hà Nội, việc xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 tại chỗ luôn được ưu tiên hàng đầu. TP đang tích cực mở rộng cơ sở được làm xét nghiệm, không chỉ nhà nước mà còn các bệnh viện tư nhân, khối Y tế dự phòng, quân đội, thú y...
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, uớc tính thành phố có khoảng hơn 72.000 trường hợp từ Đà Nẵng về. Hà Nội đã thực hiện test nhanh cho gần 50.000 người. Về năng lực xét nghiệm, thống kê bước đầu trong số 600 cơ sở có ký hợp đợp đồng với bảo hiểm xã hội có 10 đơn vị có khả năng làm được xét nghiệm PCR, trong đó có 3 bệnh viện tư nhân. Tối đa công suất của tất cả các đơn vị trên địa bàn là 3.000 xét nghiệm một ngày.
Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 đang được thực hiện đúng theo hướng dẫn tại Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 2245/QĐ-BYT của Bộ Y tế.