Kiểm duyệt phim: Còn nhiều tiêu chí chưa rõ ràng, làm khó nhà sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Góp ý xây dựng Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim, nhiều ý kiến cho rằng các văn bản quy định liên quan đến cảnh tình dục trên phim còn dùng từ ngữ định tính, chung chung, làm khó nhà sản xuất.
Kiểm duyệt phim: Còn nhiều tiêu chí chưa rõ ràng, làm khó nhà sản xuất ảnh 1
Phim 'Bẫy ngọt ngào' có nhiều 'cảnh nóng' được xử lý táo bạo nhưng không bị cắt cảnh khi kiểm duyệt như trước đây.

Ngày 5/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý xây dựng Thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim đến người xem” với sự tham dự của nhiều nhà làm phim, đại diện doanh nghiệp phát hành phim.

Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất cho rằng Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nhiều quy định cởi mở, tiến bộ trong vấn đề kiểm duyệt phim.

So với luật cũ, Luật Điện ảnh (sửa đổi) nâng số lượng tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi lên 5 loại, bổ sung thêm loại K - những bộ phim yêu cầu khán giả dưới 13 tuổi cần có cha, mẹ hoặc người giám hộ đi cùng khi vào rạp.

Theo các nhà làm phim, đây là bước tiến mới, đề cao trách nhiệm của phụ huynh trong việc giám sát cũng như hỗ trợ trẻ em tiếp cận, thưởng thức nhiều thể loại phim ảnh hơn.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng quy định nên làm rõ cho các bậc phụ huynh hiểu việc “giám hộ” trẻ em ở đây sẽ được thực hiện như thế nào; liệu việc phụ huynh ngồi giảng giải các chi tiết mang yếu tố người lớn ngay trong rạp có ảnh hưởng đến khách xem phim khác; phụ huynh có nên được nắm trước nội dung phim để cảnh báo con em trước khi vào rạp và những phim thuộc thể loại nào sẽ cần đến hình thức giám hộ?

Một vấn đề mang nhiều yếu tố nhạy cảm nhưng rất được các nhà làm phim, nhà phát hành phim quan tâm là việc kiểm duyệt "cảnh nóng," cảnh khỏa thân, cảnh tình dục trong phim đã được đưa ra thảo luận.

Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh dẫn quy định phim dán nhãn P (phim phổ biến với mọi độ tuổi) được yêu cầu "không có cảnh khỏa thân" trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) và cho rằng yêu cầu này chưa thật cụ thể vì không phải cảnh lộ thân thể, da thịt nào cũng mang yếu tố tính dục.

Đơn cử như nhà làm phim muốn làm một bộ phim gia đình có cảnh người mẹ cho con bú, vốn là một hình ảnh rất nhân văn và giàu nét đẹp nghệ thuật nhưng theo Luật, phim lại bị hạn chế độ tuổi khán giả.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung cụm rạp CJ&CGV Việt Nam, cho biết năm 2019 từng có việc bộ phim hoạt hình Nhật Bản “Shin: Cậu bé bút chì” khi phát hành ở Việt Nam bị dán nhãn C13, tức cấm khán giả dưới 13 tuổi mặc dù phim hướng đến đối tượng khán giả thiếu nhi ở mọi độ tuổi.

Nguyên nhân là vì phim có cảnh nhân vật Shin cởi quần lộ phần thân dưới, mặc dù nét vẽ của phim rất giản lược và đối với một cậu bé ở độ tuổi mẫu giáo thì việc đôi lúc ham chơi mà không chú ý trang phục cũng không phải là điều quá cấm kỵ.

Nhiều đại biểu đề xuất ban soạn thảo tiêu chí nên có những quy chuẩn, từ ngữ cụ thể với những cảnh khỏa thân, ví dụ như để lộ bao nhiêu phần cơ thể thì tính là khỏa thân, cấm khỏa thân trong mọi trường hợp hay chỉ với những cảnh mang yếu tố sắc dục…

Đối với vấn đề kiểm duyệt cảnh tình dục trong phim, nhiều đại biểu cho rằng kiểm duyệt phim Việt ngày càng cởi mở với những phim mang yếu tố 18+ (dành cho người từ 18 tuổi trở lên).

Trong năm 2022, những phim như “Bẫy ngọt ngào” (đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư), “Người tình" (đạo diễn Lưu Huỳnh) có nhiều "cảnh nóng” được xử lý táo bạo nhưng không bị cắt cảnh khi kiểm duyệt như trước đây.

Theo nhiều nhà làm phim, với những phim nghệ thuật được đầu tư nghiêm túc thì các "cảnh nóng” đều bám sát mạch kịch bản để phục vụ cho dụng ý nghệ thuật của đạo diễn, biên kịch hoặc để khắc họa tính cách nhân vật, không bị dư thừa. Việc các tác phẩm được đến với công chúng một cách trọn vẹn là động lực để các nhà làm phim mạnh dạn thực hiện các cảnh quay gai góc hơn, phục vụ nhu cầu thưởng thức đa dạng của khán giả.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng các văn bản quy định liên quan đến cảnh tình dục trên phim còn dùng nhiều từ ngữ định tính, chung chung, làm khó nhà sản xuất. Đơn cử như quy định với phim cấm khán giả dưới 13 tuổi, cảnh tình dục không được "mô tả thường xuyên và chi tiết." Theo nhiều nhà làm phim, yếu tố "thường xuyên" cần được nói rõ là xuất hiện bao nhiêu lần hoặc thời lượng kéo dài bao lâu.

Tương tự, Điều 3 trong Thông tư quy định về nội dung để đánh giá phân loại phim nêu phim cần mô phỏng "hành vi tình dục của con người được thể hiện một cách nghệ thuật hay chân thực." Nhiều nhà làm phim cho biết tiêu chí này rất trừu tượng, khiến nhà làm phim bối rối không hiểu thế nào mới được gọi là một phân cảnh nghệ thuật, chân thực theo quan điểm của đơn vị kiểm duyệt vì mỗi nhà làm phim lại có hệ chuẩn mực khác nhau.

Bên cạnh phim chiếu rạp, các đại biểu đề nghị cần siết chặt kiểm duyệt cho phim truyền hình và phim nhiều tập chiếu trên các nền tảng trực tuyến.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng rất nhiều phim truyền hình hiện nay có nội dung mang yếu tố tội phạm, xã hội đen, bạo hành gia đình, cùng nhiều vấn đề nhạy cảm trong xã hội, không phù hợp với mọi độ tuổi, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, khác với phim chiếu rạp, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận phim truyền hình dễ dàng trên tivi.

Theo đạo diễn Nhật Linh, cần có sự cảnh báo hoặc dán nhãn độ tuổi trước mỗi bộ phim để khán giả dễ giám sát nội dung và can thiệp tránh cho con em xem những bộ phim không phù hợp.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Theo ông Vi Kiến Thành, Luật Điện ảnh mới được sửa đổi cho phù hợp với xu thế phát triển phim ảnh trong thời đại mới, đặc biệt với phim phát hành không gian mạng. Khâu duyệt phim hiện nay cũng cởi mở hơn do Hội đồng duyệt phim quốc gia có sự trẻ hóa, nhiều nhân sự của Hội đồng có cái nhìn trẻ trung, quan điểm bám sát xu hướng chung của điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn chưa được hoàn thiện. Sau khi lắng nghe góp ý, ban soạn thảo sẽ hoàn chỉnh, trình Chính phủ vào tháng 11 để thông tư đi vào hoạt động.

Ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết trong quá trình thẩm định, ban soạn thảo sẽ cùng Cục Điện ảnh xây dựng các tiêu chí rõ ràng nhất có thể để các đơn vị tự dán nhãn cho phim và chịu trách nhiệm khi cơ quan chức năng hậu kiểm.

Cơ quan chức năng cũng sẽ xây dựng chế tài xử phạt nghiêm khắc với các nhà phát hành, cụm rạp không đảm bảo khán giả xem phim đúng độ tuổi.

Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?
Theo thước đo của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, trên 14% là “xã hội già,” trong khi trên 20% là “xã hội siêu già." Nguồn: The Korea Times
Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"
(Ngày Nay) - Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, chính thức trở thành xã hội "siêu già theo thước đo của Liên hợp quốc.