Kiên Giang: Lúa giống giả tung hoành, nông dân không biết kêu ai?!

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nhiều tháng qua, hàng chục người dân tỉnh Cà Mau và Kiên Giang bị lừa mua lúa giống F1 lai Ấn Độ giả đã gặp cảnh dở khóc dở cười.
Người dân bị lừa mua lúa giống giả tại Kiên Giang.
Người dân bị lừa mua lúa giống giả tại Kiên Giang.

Mua phải lúa giống giả, dân báo xã, xã không có phương án giải quyết

Ông L.T.H. (ngụ xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) cho biết, khoảng giữa năm 2024, ông H. có đặt mua lúa giống của ông Lê Văn Cao số lượng 93 bao với giá hơn 65 triệu đồng. Sau khi mua lúa giống về, ông để trong kho và chuẩn bị gieo lúa. Ông H. lấy lúa ra thử độ nẩy mầm thì phát hiện đạt chỉ 50%.

Do đó, ông yêu cầu trả lại lúa giống ông Lê Văn Cao và lấy lại tiền. Ông H. phân tích, giống lúa ông đặt mua là lúa giống F1 lai Ấn Độ. Đây là loại lúa giống của tập đoàn Bayer cho năng suất cao và rất hiếm trên thị trường. Do tin lời ông Lê Văn Cao nên ông H. mới đưa hết số tiền mua lúa giống. Sự việc xảy ra, ông H. liên lạc với ông Cao nhưng bị phủi trách nhiệm. Ông Cao cho rằng, ông cũng là nạn nhân của một người tên Nguyễn Văn Phong bán lúa giống kém chất lượng.

Tương tự, ông L.C.D. (ngụ ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã đặt mua của ông Cao với số lượng 100 bao lúa giống, với số tiền 77 triệu đồng. Phát hiện lúa giống giả, ông D. yêu cầu lấy lại tiền nhưng ông Cao có ý lẩn tránh.

Khi sự việc bị phát hiện, nhiều người dân đã kéo đến trụ sở UBND xã Vĩnh Thuận để đề nghị chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm. Từ đó đến nay, sự việc lúa giống giả tung hoành trên địa bàn như bị chìm vào dĩ vãng. Chính quyền không có phương án giải quyết, người dân sống trong nỗi bức xúc cùng cực.

Liên quan đến vụ việc, theo thông tin Ngày Nay thu thập được, ngày 23/7/2024, đoàn kiểm tra và chính quyền địa phương bất ngờ ập vào căn hộ của ông Lê Văn Cao (ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang). Tại đây, đoàn kiểm tra nghi ngờ cơ sở này buôn bán lúa giống B-TE1 không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại hiện trường, đoàn kiểm tra thu giữ 7 bao lúa giống B-TÉ trên bao bì có in của công ty TNHH BTF 1R có địa chỉ tại 272/50 Hoàng Hoa Thám (quận 1, TP.HCM) sản xuất và đóng gói. Ông Lê Văn Cao khai nhận mua lúa giống B-TE1, hạt giống lúa lai F1 không rõ nguồn gốc xuất xứ của ông Nguyễn Văn Phong (sinh năm 1983, ngụ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) phân phối làm 2 đợt với số lượng 1.247 bao.

Sau đó, ông Cao bán lại cho bà con nông dân khu vực ấp Đập Đá (xã Vĩnh Phong) và ấp Vĩnh Trinh (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) với giá 700 ngàn đồng/bao. Sau khi đoàn kiểm tra Chi cục Trung tâm Bảo vệ thực vật xuống làm việc thì ông Cao mới biết kinh doanh lúa giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tiếp đến, đoàn kiểm tra lấy lời khai ông Nguyễn Văn Phong, ông Phong thừa nhận có đặt hàng qua điện thoại về việc mua lúa giống B-TE1 của ông tên Phong (trùng tện Phong, chưa rõ lai lịch), có số điện thoại 0944809329, chở xuống tại kinh 14, xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận). Ông Phong không biết địa chỉ nơi cư trú ông Phong (chưa rõ lai lịch).

Qua buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phong chưa cung cấp được hồ sơ lưu hành giống lúa B-TE1 cho đoàn kiểm tra.

Liên quan đến lúa giống F lai Ấn Độ, ngày 07/10/2024, bà Trần Thị Hoa (xã Trần Hợi, huyện Trẩn Văn Thời, tỉnh Cà Mau) có hợp đồng và làm biên nhận với ông Phan Sơn Cường (ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) mua 3 tấn lúa giống F lai Ấn Độ.

Bà Hoa giao cho ông Cường tổng số tiền 450 triệu đồng và được hẹn giao lúa giống trong vòng 25 ngày. Tuy nhiên, sau đó, ông Cường không giao cho bà Hoa lúa giống như đã cam kết. Vụ việc đã được bà Hoa tố cáo đến Công an huyện Vĩnh Thuận. Sau đó, Công an huyện Vĩnh Thuận xác định vụ việc là dân sự nên không thụ lý đơn và hướng dẫn bà Hoa khởi kiện ra tòa án.

Lúa giống giả “phá hoại” an ninh lương thực quốc gia

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 12/2024, Việt Nam ước xuất khẩu hơn 520 nghìn tấn gạo, thu về 390 triệu USD. Luỹ kế cả năm, tổng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 9 triệu tấn và 5,7 tỷ USD; tăng 11% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với năm 2023.

Mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam tăng đột biến, tăng 0,9 triệu tấn so với con số kỷ lục 8,1 triệu tấn của năm 2023, nhưng vẫn chưa thể vượt qua Thái Lan, nên Việt Nam vẫn phải đứng ở vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo.

Kiên Giang: Lúa giống giả tung hoành, nông dân không biết kêu ai?! ảnh 1

Hàng ngàn bao lúa giống giả tung hoành trước mùa vụ 2024.

Nguyên nhân được xác định là do khối lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2024 cũng đạt mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây nhờ vào nhu cầu tăng mạnh từ Indonesia, Philippines và các nước nhập khẩu khác, với tổng lượng xuất khẩu 10 triệu tấn. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về khối lượng gạo xuất khẩu, với 17 triệu tấn trong năm 2024.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Việt Nam đang tạo dựng ngành hàng lúa gạo với hướng đi khác biệt là tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng cao, giảm dần gạo cấp thấp. Nông dân Việt Nam đang tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, được thị trường quốc tế ưa chuộng như Đài Thơm 8, OM 18, các giống ST,… bán được giá, hiệu quả kinh tế cao.

Việt Nam cũng nhập rất nhiều gạo giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan… để phục vụ chế biến và tiêu dùng cho phân khúc bình dân. Ngoài ra, còn có nguồn lúa gạo từ Campuchia vừa phục vụ tiêu dùng, vừa xuất khẩu do nước này chưa có hạ tầng chế biến tốt như Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân nhận xét, theo quy định của pháp luật, tất cả các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất - kinh doanh giống cây trồng phải có đăng ký đủ điều kiện sản xuất - kinh doanh. Thời gian qua, có nhiều cơ sở không đủ điều kiện vẫn tham gia vào sản xuất – kinh doanh giống cây trồng nhưng chưa được các cơ quan có trách nhiệm quản lý chặt chẽ.

Giống cây trồng cần phải được quản lý chặt chẽ bởi quá trình ươm mầm, trồng trọt trên diện rộng sẽ sản sinh ra thế hệ giống lai tạo có nguy cơ ảnh hưởng năng suất ở các thế hệ kế tiếp. Nhiều giống cây trồng còn tiềm ẩn mầm bệnh và có nguy cơ gây dịch bệnh trên diện rộng. Nguy hiểm hơn, đối với cây lúa là một trong lĩnh vực chủ lực của ngành nông nghiệp, là ngành liên quan đến an ninh lương thực nên phải tuân thủ quy trình để đạt tiêu chuẩn theo từng cấp. Những giống lúa được nhà nước công nhận, cấp phép, cho phép sản xuất – kinh doanh mới được tiến hành trồng trọt trên phạm vi toàn quốc.

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cho rằng, hiện nay, nông dân một số tỉnh thành mua phải giống lúa giả, giống lúa kém chất lượng nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý triệt để, Đây cũng là một trong nhũng “kẽ hở” nhằm đe dọa đến nguồn an ninh lương thực trong thời gian tới. Để đảm bảo nguồn an ninh lương thực và tạo thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam, cơ quan chức năng cần phải quản lý chặt chẽ lúa giống đang được sản xuất – kinh doanh không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Trao đổi với Ngày Nay, ông Trịnh Tài Hiền – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) cho biết, chưa nghe thông tin người dân phản ánh về việc có lúa giống giả. Xã cũng đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp của huyện tuyên truyền cho người dân về việc sử dụng giống lúa phù hợp vào trước mùa vụ.

Trả lời câu hỏi về tình hình lúa giống giả, ông Hiền khẳng định, xã cũng đã khuyến cáo người dân về việc nơi nguồn gốc giống lúa ở đâu… Ở ấp Đập Đá, người dân bức xúc một số cá nhân nào đó chứ tình hình chung là chưa…

TIN LIÊN QUAN
Bình luận
Các đại biểu tham quan khu trưng bày “Sản phẩm Khoa học, Công nghệ, Đổi mới Sáng tạo” trong khuôn khổ lễ hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2025 do Bộ KH&CN và UBND TP. Hà Nội tổ chức.
Sở hữu trí tuệ: Công cụ phát triển kinh tế trong thời đại số
(Ngày Nay) - Từ một bản nhạc vang lên trên nền tảng số đến sản phẩm địa phương vươn tầm quốc tế nhờ chỉ dẫn địa lý, tất cả đều phản ánh một thực tế: Khi ý tưởng được bảo hộ, sáng tạo mới có cơ hội sinh lời và lan toả giá trị bền vững.
Ảnh minh hoạ.
TP Hồ Chí Minh: Hướng dẫn chi tiết lịch thi vào lớp 10
(Ngày Nay) - Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh vừa công bố lịch thi lớp 10 năm học 2025-2026. Thí sinh dự tuyển lớp 10 năm học 2025 - 2026 sẽ thực hiện 3 bài thi, gồm: Ngữ văn, toán và ngoại ngữ (ngoại ngữ 1 đang học tại trường).
Ảnh minh họa
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc khuyến nghị nhiều giải pháp nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 25/4, trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam, ông Jean Todt, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về an toàn giao thông đường bộ đã làm việc với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các cơ quan liên quan, trao đổi giải pháp phối hợp nhằm nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành chủ trì buổi làm việc.